Màu xanh ở Đảo Trường Sa

15:03 15-02-2019 | :1164

Laocaitv.vn - Ở quần đảo Trường Sa, nơi có khí hậu khắc nghiệt thì cây xanh có một vai trò rất quan trọng. Nó có tác dụng điều hòa khí hậu, chống xói mòn, ngăn ngừa hơi mặn thổi từ biển, đồng thời, như là một "lá chắn" ngụy trang bảo vệ cho từng hòn đảo. Trong điều kiện nắng nóng, gió biển và thiếu nước ngọt, việc trồng và chăm sóc cây xanh của quân và dân trên các đảo cũng vất vả hơn ở đất liền gấp nhiều lần. Bằng sự nỗ lực của quân và dân Trường Sa, nhiều loại cây xanh đã vươn lên trong gió biển.

Màu xanh phủ kín đảo Trường Sa

Sức sống từ những hòn đảo nhỏ

Đến Trường Sa hôm nay, chắc nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhưng những đảo chìm, đảo nổi đều ngập tràn màu xanh. Cây bàng vuông, phong ba, bão táp là những loại cây có mặt ở Trường Sa sớm nhất, chúng chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu, có tác dụng chống xói mòn, cân bằng môi trường trên đảo.

Ngày nay, bàng vuông có mặt hầu hết ở các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa. Các cán bộ chiến sỹ ở đảo không ngừng nhân giống phủ xanh khắp các vùng đất trống trên đảo. Thân cây bàng vuông chắc và dẻo chịu được các trận bão lớn, rễ cây vững chắc bám sâu vào lòng đá san hô giữ lại nguồn nước mưa quý hiếm cho đảo. Bàng vuông là một loài quí hiếm và được ghi vào Sách Đỏ. Cây bàng vuông cùng họ với các loài cây sống ở rừng ngập mặn trên các đảo ở biển và là loại cây đặc thù ở quần đảo Trường Sa. Anh Trần Vũ Thành, Chủ tịch CLB Vì biển đảo quê hương, người đã từng 7 lần đến với Trường Sa chia sẻ: Điều ấn tượng khi đến Trường Sa là sức sống mãnh liệt từ mầm xanh trên những hòn đảo khắc nghiệt, ngoài việc tô điểm cho đảo thêm màu xanh nhựa sống, cây xanh còn là sợi dây nối liền khoảng cách giữa đảo xa với đất liền, một miếng bánh chưng hòa quyện tình đất, tình biển, là quà tặng khi khách đến đảo, đây được coi là biểu tượng của đảo xa và là tình cảm của những người lính biển.

Cán bộ, chiến sĩ trồng cây đầu xuân trên đảo

Ở một số đảo nổi được ví như là một công viên cây xanh khang trang với những hòn non bộ, với bàn trà, ghế đá, với sắc hoa đủ màu như hoa giấy, hoa sứ, hoa mười giờ và những loài hoa đặc biệt ở Trường Sa như hoa bàng vuông, hoa mù u... Để có được những gam màu tươi sắc ấy ở nơi đầu sóng là công sức, tâm huyết của bao thế hệ quân và dân ở đảo. Các đảo luôn xem việc trồng cây xanh để tạo cảnh quan là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trung tá Hoàng Văn Phước, Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa Đông cho biết: Mỗi cán bộ, chiến sĩ ở trên đảo đều trồng ít nhất một cây xanh và chăm sóc để cây phát triển tốt, khi hoàn thành nghĩa vụ trở về đất liền sẽ bàn giao cho cán bộ chiến sĩ mới. Mỗi cây xanh trên đảo đều gắn liền với kỷ niệm đời quân ngũ và thấm đẫm tình cảm của những người lính Trường Sa. Vì vậy mỗi chiến sĩ đều xem việc trồng cây để góp thêm màu xanh cho đảo là trách nhiệm của mình.   

Chuyện chăm rau của người lính đảo

Có đi Trường Sa mới thấy, rau xanh quý chẳng khác gì nước ngọt, rau được người lính đảo ví như là “xa xỉ phẩm” trong mỗi bữa ăn. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi nắng gió quanh năm, hơi biển mặn mòi thì việc hạt rau vẫn tìm được sự sống một câu chuyện kỳ diệu. Trong điều kiện gió biển thổi liên tục, chỉ cần có hơi muối là những loại rau trái sẽ rụng lá ngay. Ấy vậy nhưng điều mà chúng tôi hết sức ngỡ ngàng là trên những đảo chìm, đảo nổi cây rau vẫn tươi tốt lạ kỳ. Đó là thành quả của những ngày dài dày công chăm sóc từ những đôi bàn tay cần mẫn của người lính biển. Đại úy Kiều Văn Hưng, Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu số 1, Đảo Trường Sa Đông cho biết: Khi trồng những loại rau, những cán bộ chiến sỹ ở đây đã sáng tạo ra loại phân bón hữu cơ đặc biệt như băm những lá cây phong ba, bàng vuông, mù u và ủ thành phân hữu cơ để làm tơi đất. Rau xanh thì được trồng dưới những giàn bí, mướp và luôn được ngắt bớt lá để bảo đảm đủ ánh sáng cho rau phát triển, những sáng tạo này đã cho năng suất cao và chất lượng tốt.

Cây rau được che chắn cẩn thận để tránh gió biển

Những vườn rau tươi tốt thể hiện sức sống mãnh liệt nơi đầu sóng ngọn gió

Giàn mướp sai trĩu quả

Trong số các đảo thuộc Trường Sa, Đảo An Bang có điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Nó được ví như chiếc “lò vôi thế kỷ” giữa biển khơi, sóng to, gió lớn, nắng nóng quanh năm là những “đặc sản” mà thiên nhiên ban tặng cho hòn đảo nhỏ bé này. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân lên hòn đảo này chính là màu xanh từ những luống rau, ai cũng hết sức bất ngở bởi hòn đảo vốn được coi là khắc nghiệt nhất tại Trường Sa, cây rau lại tươi tốt đến thế. Những luống rau muống biển, rau mùng tơi, rau cải non xanh mơn mởn mọc bò ra cả lối đi, những giàn mướp, bí, bầu sai trĩu quả… Cũng giống như các đảo khác trên Trường Sa với địa hình là dải san hô ngầm, nên để có đất trồng rau, các chiến sĩ ở đây phải vận chuyển từ ngoài đất liền vào. Đất ở đây quý như vàng và được tái sử dụng từ vụ này qua vụ khác, người lính hải quân thường ví von: Ở đây chăm rau còn khó hơn cả việc chăm con mọn. Để ngăn cho sương muối thổi từ biển, ngoài việc che chắn bằng lưới, sáng nào các chiến sĩ phải tưới rau bằng nước ngọt, mà nước ngọt thì thiếu vô cùng, đặc biệt là vào mùa khô. Để có nước tưới, các chiến sĩ phải chắt chiu từng giọt bằng việc tận dụng từ việc tắm rửa, sinh hoạt hàng ngày. Do được chăm sóc chu đáo, cẩn thận cây rau trên Đảo An Bang cũng như ở những hòn đảo khác  ở Trường Sa cứ vươn lên xanh tốt mặc cho mưa phèn, gió biển. Không những đủ cung cấp cho bữa ăn trong đơn vị mà nhiều tàu cá của ngư dân khi đánh bắt xa bờ lâu ngày, thiếu rau xanh cũng được đơn vị cung cấp miễn phí.  

Có được những mầm xanh phát triển như ngày hôm nay ở nơi xa đầu sóng, ngọn gió này, các chiến sĩ hải quân đã phải dồn biết bao tâm huyết nghiên cứu, sáng tạo để Trường Sa thân yêu của Tổ quốc, chắc chắn được phủ xanh giữ cho đảo quê hương ngày càng căng tràn sức sống.

Bài, ảnh: Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết