Trường Sa - hành trình vượt sóng dữ mùa biển động

10:35 23-01-2019 | :1099

Laocaitv.vn - “Đi Trường Sa mùa này vất vả lắm, không nói trước được ngày về, mùa biển động nên tàu phải lách sóng ra khơi. Mọi người cần chuẩn bị kỹ sức khỏe, tinh thần để đối diện những cơn say sóng, những hiểm nguy khó lường nơi đầu sóng, ngọn gió” - Đó là lời nhắn nhủ của đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải Quân với cánh phóng viên chúng tôi trước khi tàu khởi hành ra Trường Sa.

Bài 1: Cảng Cam Ranh - lắng đọng cảm xúc chuyến tàu cuối năm

 

Đúng 16h chiều, tàu KN 491 kéo 3 hồi còi dài tạm biệt đất liền, các chiến hạm đậu trong quân cảng cũng rúc 3 hồi còi từ biệt, tàu buông neo, bắt đầu hướng ra biển lớn. Những chàng lính tân binh đứng trên boong tàu vẫy tay chào người thân trước khi đất liền khuất xa tầm mắt. Tàu rời vịnh ra đến biển, cũng là lúc sóng điện thoại di động chập chờn rồi tắt hẳn. Gió lồng lộng cuốn bay, phía khơi xa, biển như dát vàng lấp lánh dưới ánh hoàng hôn, những cánh hải âu xôn xao bay về phía cuối chân trời. Từng đàn cá chuồn tung mình khỏi mặt nước giữa tiếng sóng vỗ thân tàu ràn rạt. Ai cũng cố gắng tranh thủ tận hưởng khoảnh khắc thư thái này để gửi lại đất liền những lo toan, suy tư của cuộc sống.

Những cơn say sóng

Hoàng hôn trên biển

Trời chạng vạng tối, gió mạnh cấp 6, cấp 7, những cơn sóng cao hơn 2 mét, tàu lắc lư mạnh hơn, những bước chân bắt đầu loạng choạng, cơn “ác mộng” bắt đầu ập đến. Chúng tôi vội vã rời boong tàu, trở về phòng nghỉ khi thấy dấu hiệu trán lấm tấm mồ hôi, người nôn nao khó chịu, vài người bắt đầu say sóng. Thượng tá Lương Xuân Giáp, Phó Chính ủy lữ đoàn 146 (Vùng 4 - Bộ tư lệnh Hải Quân) đùa vui: Đi biển mùa này là khổ nhất đấy, có vậy thì nhà báo mới hiểu được nỗi vất vả của người lính hải quân trước những con sóng bạc đầu. Quả thật, cơn say sóng không chừa một ai, ngay cả những người đi biển thường xuyên, có nhiều kinh nghiệm nếu không chuẩn bị kỹ thì cũng không tránh khỏi nỗi ám ảnh này. Thậm chí những chú lợn to khỏe theo tàu ra đảo cũng lử đử, kêu la thảm thiết, rồi nằm bẹp ra sàn, chẳng chịu ăn uống. Anh lính Nguyễn Việt Bắc có trách nhiệm đảm bảo 70 chú lợn này sống sót trong suốt hành trình không khỏi lo lắng cho biết: Chăm sóc heo lúc say sóng là công việc vô cùng khó khăn, tắm cho lợn cũng rất vất vả bởi tàu đi dài ngày, sóng biển dâng cao, nước biển tạt vào khu vực chuồng nuôi. Nếu không tắm kịp thời, lợn rất dễ ốm. Nhất là nước biển vào tai lợn sẽ khiến lợn chết”. Thế mới thấy là chỉ riêng việc đưa lợn ra tới đảo là công việc không hề đơn giản.

Thương nhất là mấy anh lính hậu cần. Mặc dù tàu lắc lư mạnh, nhưng các anh vẫn phải có nhiệm vụ chuẩn bị cơm nước tươm tất cho đoàn công tác. Vừa nấu cơm, vừa tìm cách đứng vững, chốc chốc, có chiến sỹ không “trụ” nổi cơn say sóng, tổ trưởng lại phải tìm người khác thay thế. Ấy vậy mà các anh vẫn phải đảm bảo cho hơn 400 suất ăn, quả là điều đáng khâm phục. Tổ phục vụ có 15 người, thường dậy từ 3h để chuẩn bị bữa ăn sáng và các anh chỉ lúc gần khuya được nghỉ sau khi dọn dẹp xong. Theo tiêu chuẩn, chúng tôi được phục vụ 3 bữa mỗi ngày, nhưng đúng là đi biển chịu gió giật sóng nhôi nên chóng đói, dễ mệt, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo ấy thì cũng khó mà “cầm cự” hết hành trình kéo dài tới cả tháng trời. Còn các anh lính quân y quả là chu đáo, luôn để ý chăm sóc tất cả mọi người trên tàu, chốc chốc lại gõ cửa từng phòng, xem có ai trong đoàn công tác cần hỗ trợ gì không. Chỉ riêng chuyện đi biển thôi cũng đã cho thấy lính đảo vất vả gian lao thế nào. Được tận mắt chứng kiến, càng mến thương và khâm phục các anh hơn.   

Câu cá giữa trùng khơi

Câu cá trên biển là 1 thú vui không thể bỏ qua của chiến sĩ hải quân

“Chiến lợi phẩm” là những chú cá thu, cá ngừ nặng cả chục kg

Thời gian trôi về tối, sóng bắt đầu êm dịu hơn, tàu neo khi cách đảo Đá Lát gần 3 hải lý, nhiều người đã dần “hồi sức” sau nửa ngày “đánh vật” với những cơn say sóng, lên boong để hít thở chút gió biển... Ánh sáng từ chiếc đèn tàu thu hút sự chú ý của đàn cá chuồn. Chúng thi nhau nhảy múa dưới mặt biển 2 bên mạn tàu, với nền nhạc là tiếng sóng biển rì rào và sân khấu là mặt biển xanh ngắt, thi thoảng nhiều chú cá chuồn cao hứng thực hiện cú nhảy cao tới 2 - 3 m, chui lên boong tàu. Những vị khách không mời này đã vô tình trở thành nạn nhân cho các cần thủ, tuy nhiên, cá chuồn không phải là “mục tiêu” chính, chúng trở thành mồi câu cá thu, cá ngừ. Các cần thủ đứng kín 2 bên mạn tàu, thả câu bằng cuộn dây cước. Không khí náo nhiệt, sôi động chẳng khác gì lễ hội, khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng háo hức, thích thú, quên đi cảm giác say sóng. Mỗi khi có ai đó hô “cá cắn câu rồi kìa” là cả trăm ánh mắt hướng về phía đó trong sự chờ đợi, hồi hộp. Cước được kéo lên từ từ, khi những chú cá mú, cá ngừ, cá thu bè bắt đầu lộ diện khỏi mặt nước là những tràng pháo tay không ngớt. Chẳng mấy chốc hàng chục con cá khổng lồ nặng từ 5 - 7 ký sập bẫy dễ dàng trong sự thích thú của người lữ khách. “Chiến lợi phẩm” thu được, nhanh chóng được vận chuyển vào bếp để các chiến sĩ chế biến thành những món: Hấp, gỏi... vô cùng hấp dẫn.  Thế mới thấy, giữa trùng khơi bốn bề là biển vẫn có được những thú vui “xa xỉ” mà nhiều người mơ ước./.

Bài, ảnh: Trung kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết