Laocaitv.vn - Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề truyền thống thêu may thổ cẩm ở huyện Bắc Hà, từ nhỏ chị Vàng Thị Pằng đã làm quen và say mê với nghề truyền thống này. Khi xây dựng gia đình ở xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai, chị Pằng đã mạnh dạn đầu tư phát triển cơ sở thêu, may thổ cẩm, tạo nguồn thu ổn định cho gia đình, đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.
Cơ sở may, thêu thổ cẩm của gia đình chị Pằng mới thành lập được 2 năm, nhưng nhờ có tay nghề cao, lại sáng tạo trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên hàng thổ cẩm của cơ sở làm ra đến đâu, hết đến đó, có thời điểm không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Mỗi tháng, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình lãi khoảng 30 triệu đến 35 triệu đồng.
Hàng thổ cẩm của cơ sở làm ra đến đâu, hết đến đó
Chị Vàng Thị Pằng
Chị Vàng Thị Pằng, thôn Thào Chư Phìn, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Tôi suy nghĩ mình có tay nghề nên tôi tự xây dựng, tự may ở nhà rồi đăng lên trên mạng thì khách người ta tìm đến. Qua đấy, tạo nhiều việc làm cho chị em phụ nữ hơn”.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, cơ sở may, thêu thổ cẩm của chị Pằng còn là nơi tạo việc làm thường xuyên và theo thời vụ cho nhiều phụ nữ ở địa phương.
“Mình quyết định đi làm việc này, vừa trông con, vừa kiếm được ít tiền mua sữa, mua bỉm cho con. Lúc trước chưa có con, em làm được 7 - 8 triệu, bây giờ có con nhỏ cũng giảm xuống 4 - 5 triệu thôi”, chị Vàng Thị Sơ, thôn Thào Chư Phìn, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai chia sẻ.
Chị Giàng Thị Ly, thôn Thào Chư Phìn, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai cũng vui vẻ bày tỏ: “Thời gian rảnh thì em sang bên này làm cùng chị. Lúc em không có thời gian thì em mang đồ về nhà, lúc nào rảnh thì em làm. Em thấy làm với chị Pằng lương cũng ổn định, không phải đi làm xa, được ở gần chăm sóc con”.
Những tấm gương nỗ lực, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho Nhân dân trên địa bàn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá như chị Vàng Thị Pằng được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đánh giá cao và có các giải pháp hỗ trợ phát triển.
Cơ sở của chị Pằng tạo việc làm cho người dân địa phương.
Ông Sùng Seo Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai cho biết: “Chúng tôi thấy mô hình này rất là hay. Rất ít người bảo tồn và biết may trang phục này, đặc biệt là lớp trẻ. Nếu không có người bảo tồn như thế này thì 5 – 10 năm tới có lẽ sẽ mai một hết văn hóa. Cấp ủy cũng sẽ tính toán để nhân rộng các mô hình”.
Thành công của chị Giàng Thị Pằng sẽ góp phần lan tỏa, cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo tồn, phát triển tinh hoa văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở các địa bàn vùng cao của tỉnh.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết