Mùa may áo mới

22:00 20-11-2024 | :38

Laocaitv.vn -  Sau những ngày tất bật với ruộng nương, từ cuối tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hàng năm là thời gian nông nhàn, khi đó, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở các bản làng vùng cao lại bắt tay vào công việc se lanh, dệt vải, thêu, may, tạo ra những bộ trang phục truyền. Bài dưới đây kể câu chuyện vui về "mùa may áo mới" của chị em phụ nữ vùng cao.

 Dệt vải là công đoạn lâu nhất trong quá trình hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống của dân tộc Thu Lao. 

Dệt vải là công đoạn lâu nhất trong quá trình hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thu Lao và chỉ diễn ra vào “mùa may áo mới”. Sau khi dệt xong, vải sẽ được mang đi nhuộm, rồi phơi để có được những tấm vải đạt tiêu chuẩn, mang đi may, thêu, tạo ra bộ trang phục đẹp mắt. Các công đoạn đều làm thủ công hoàn toàn, đòi hỏi người phụ nữ phải thật sự cần mẫn, khéo léo. Chị Khẩu Thị Sế, thôn Sán Chá, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai chia sẻ: "Mẹ tôi truyền cho tôi làm, bây giờ, sau này, tôi lại truyền lại cho con cháu mình".

Những tấm vải đạt tiêu chuẩn được các chị em mang ra thêu tạo ra bộ trang phục đẹp mắt.

Với chị em phụ nữ dân tộc thiểu số thì “mùa may áo áo mới” thường bắt đầu sau những ngày thu hoạch xong ngô, lúa... và cao điểm là từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Chị em làm việc với lòng nhiệt huyết, gửi gắm vào những bộ trang phục tình yêu, hạnh phúc và cả sự tự hào truyền thống của dân tộc mình. Chị Giàng Thị Chá, thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai chia sẻ: "em cảm thấy rất tự hào về trang phục của mình vì vừa đẹp, vừa sặc sỡ, vừa giữ được truyền thống. Đến mùa may áo mới thì em cảm thấy hạnh phúc hơn, nhìn các chị em cũng có thời gian để diện trang phục, cảm thấy không khí ấm no và hạnh phúc hơn rất nhiều".

Ai cũng muốn có một bộ quần áo mới để đón xuân, chơi Tết

Bà Lý Thị Kim, thôn Luổng Láo, xã Cốc San, thành phố Lào Cai chia sẻ thêm:"Mùa may áo mới thì thường từ cuối tháng 10 tháng 11, tháng 12 thì là thời điểm chỉ cắt quần áo mới, phục vụ bà con trong làng. Ai cũng muốn có một bộ quần áo mới để đón xuân, chơi Tết. May trang phục đẹp, còn để lại truyền thống cho con cháu sau này, phải dạy để các con theo, và mãi mãi giữ được bản sắc dân tộc mình"

 “Mùa may áo mới” thật nhộn nhịp, như xua đi những mệt nhọc sau một thời gian dài miệt mài với nương đồi. Những đôi bàn tay khéo léo, những sắc mầu tươi mới, những hoa văn tinh tế,... được gìn giữ và trao truyền, để năm cũ qua đi, năm mới tới lại có thêm thật nhiều những bộ trang phục truyền thống được ra đời từ sự cần mẫn và khéo léo của những người phụ nữ vùng cao.

 Lệ Quyên - Lâm Thi – Đình Hiếu


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết