Đón xuân – cơ hội giáo dục toàn diện, bổ ích và lí thú

10:00 10-02-2019 | :777

Laocaitv.vn - Tết Nguyên đán là cơ hội giáo dục rất quan trọng để cung cấp kiến thức, bồi đắp tư tưởng tình cảm và rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh các cấp. Lứa tuổi học sinh rất náo nức đón Tết. Chúng ta cần tận dụng khai thác cơ hội giáo dục rất có hiệu quả này, với nội dung và cách thức phù hợp với từng vùng, từng lứa tuổi.

Tết Nguyên đán, thời điểm chuyển giao thời tiết từ mùa đông sang mùa xuân, là dịp giới thiệu bổ sung kiến thức địa lí và sinh học với các nội dung thời tiết, âm lịch, thời vụ rất lí thú.

Mùa xuân có vai trò rất quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những cuộc dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược, những trận đánh lớn, những chiến công lẫy lừng, những sự kiện lịch sử lớn lao gắn với mùa xuân, là cơ hội để các thầy cô môn Lịch sử phát huy vai trò của mình.

Mùa xuân rất sinh động và phong phú trong ngôn ngữ, rất tươi đẹp trong văn chương, từ tục ngữ ca dao dân ca đến những tác phẩm văn học viết. Các em được hướng dẫn tìm hiểu, được nghe giới thiệu thưởng thức thì thật lí thú.

Hứng khởi trước mùa xuân, các em được hát ca về mùa xuân, được sáng tạo nghệ thuật qua các cuộc thi vẽ, thi viết, niềm hứng khởi sẽ được nhân lên bội phần.

Tết Nguyên đán và mùa xuân mang trong mình cả một kho tàng văn hóa phong phú của cả nước và của từng vùng miền, từng dân tộc.

Hãy cho các em được xem, được hiểu về tranh tết: Tranh Đông hồ, tranh Hàng Trống. Rồi vẻ đẹp gửi gắm trong vuông giấy hồng bà con các dân tộc dán trên cửa nhà khi đón Tết.

Người Nùng dán giấy đỏ ở khu vực ban thờ và ngoài cửa chính với mong muốn năm mới mọi thứ sẽ may mắn, sức khỏe, tài lộc tràn đầy.

Tục chơi chữ, xin chữ gắn với nghệ thuật thư pháp là một nét đẹp văn hóa gửi gắm trong đó những ước vọng, những điều tâm niệm của mỗi người, mỗi gia đình, rất cần giới thiệu với các em. Treo câu đối Tết là phong tục cổ truyền. Hãy giới thiệu với các em về câu đối, đặc biệt là câu đối Tết, một thể loại văn học đặc biệt thể hiện nghệ thuật ngôn ngữ cô đọng, có vần điệu, đối thanh đối ý, gửi gắm bao điều sâu xa khi đón chào xuân mới.

Hãy giúp các em tìm hiểu về các phong tục đón Tết của các dân tộc: Dọn dẹp cửa nhà, bếp núc, vườn tược, đường xá. Các việc trang trí bàn thờ, bày mâm ngũ quả, viếng mộ người đã khuất có ý nghĩa gì? Mâm ngũ quả có ý nghĩa ra sao và bày sao cho đẹp?

Xin chữ đầu xuân là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.

Các thức bánh ngày Tết, các món ăn truyền thống chung của cả nước và của từng vùng miền, từng dân tộc. Bánh chưng vuông, bánh chưng dài, bánh gù, bánh tét, bánh dày, bánh dơm, bánh gai, bánh khảo, bánh bỏng, chè lam… bao nhiêu thứ bánh Tết đều từ nguyên liệu chính là hạt nếp dẻo thơm qua bàn tay khéo léo tài hoa tạo nên. Hãy cho các em được nhìn thấy, được nghe giới thiệu về cách chế biến, được nghe phân tích về hương vị đặc trưng, có thể được xem làm, được làm thử, tùy điều kiện và lứa tuổi.

Hãy cho các em được tìm hiểu về phong tục Tết cổ truyền: Tục thờ cúng thần linh, tổ tiên, tục chúc Tết, mừng tuổi, xông nhà, khai xuân. Hãy cho các em tìm hiểu truyền thống hiếu học qua câu tục ngữ “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” và tục khai bút đầu xuân. Những phong tục cầu may, những tục kiêng kị ngày Tết, điều kiêng nào là văn hóa tốt đẹp nên duy trì, điều kiêng nào là lạc hậu cần loại trừ…

Các em học sinh tiểu học Bản Phố thích thú với trò chơi dân gian Ô ăn quan.

Mùa xuân gắn với nhiều lễ hội của các vùng miền, các dân tộc, với những trò chơi dân gian. Có thể mô tả, giới thiệu cho các em mường tượng hình dung. Có thể dàn dựng, tổ chức vui chơi làm sống dậy truyền thống văn hóa dân tộc. Địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc có thể tổ chức lễ hội Sải Sán, lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng) với hình thức thu nhỏ sau Tết để cuốn hút các em trở lại trường đùng hạn và phấn khởi bước vào học hành rèn luyện. Hãy giúp các em nhận biết những trò chơi tinh xảo khéo léo, thượng võ và nghệ thuật, đồng thời nhắc nhở các em tránh xa các trò lạc hậu, sát phạt, lãng phí tiền của thời gian…

Nội dung phong phú thế, phải biết chọn lọc, lồng ghép, mỗi năm khai thác một số nội dung. Năm sau làm lại có sự bổ sung phát triển.

Thầy cô sáng tạo, khích lệ trò sáng tạo, khi đó Tết cổ truyền sẽ rất vui, tươi mới cả về tâm hồn, trí tuệ và năng lực, tươi mới như MÙA XUÂN…

Cao Văn Tư


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết