Đưa Khèn Mông thành mặt hàng lưu niệm

16:39 12-06-2023 | :624

Laocaitv.vn - Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông, những nhạc cụ truyền thống có sức sống vượt thời gian và hiện hữu trong những nghi lễ thiêng liêng của đồng bào nơi đây. Trong thời kỳ hội nhập, đồng bào Mông ở Bắc Hà không chỉ gìn giữ mà còn phát huy hiệu quả giá trị của các nhạc cụ truyền thống.

Ông Lý A Phổng, thành viên CLB văn nghệ Hồng Mi, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà mang khèn ra chợ thổi những bài chào khách, văn nghệ.

Sáng Chủ nhật hàng tuần, ông Lý A Phổng lại mang theo cây khèn về chợ văn hóa Bắc Hà. Là thành viên lớn tuổi nhất trong CLB văn nghệ Hồng Mi, xã Bản Phố, được múa khèn, thổi khèn, giới thiệu nhiều điệu khèn cổ của người Mông với bè bạn gần xa, với ông Lý A Phổng, đó là niềm vinh dự và tự hào. Ông Lý A Phổng, thành viên CLB văn nghệ Hồng Mi, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà tâm sự: “Mình là người cao tuổi, mình đến chợ thổi những bài chào khách, văn nghệ, vui lễ hội của người Mông. Thổi khèn vừa để rèn giũa, để mình nhớ và để luyện sức khỏe mình dẻo dai hơn.”

Tiếng sáo Mông để lại nhiều dư âm trong lòng du khách.

Tại homestay Anne House của gia đình, anh Thào A Lìn sưu tầm, bày biện rất nhiều nhạc cụ của dân tộc mình. Anh Lìn biết chơi nhiều nhạc cụ, đặc biệt là thổi sáo Mông. Các bản nhạc “Lào Cai mùa xuân", "Đi chợ vùng cao" hay "Đêm trăng bản Mông” thường được anh biểu diễn, phục vụ du khách. Anh Tạ Anh Tuấn, du khách đên từ thành phố Lào Cai chia sẻ: “Sau những buổi làm việc mệt mỏi thì mình cùng gia đình đi du lịch tại Bắc Hà. Hôm nay rất vui vì được thưởng thức tiếng sáo Mông, tiếng sáo được anh chủ quán người đồng bảo ở đây anh thể hiện rất hay và đặc sắc”.

Các đội văn nghệ trong cộng đồng biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc.

“Sáo Mông là một trong những âm thanh đẹp của núi rừng, điều đó cũng đem lại hiệu quả là du khách quay trở lại với Bắc Hà nhiều hơn”, anh Thào A Lìn, homestay Anne House, xã Na Hối, huyện Bắc Hà nói.

Cây khèn là biểu tượng văn hóa cội nguồn của người Mông.

Cây khèn, sáo, gậy sinh tiền, đàn môi… biểu tượng văn hóa cội nguồn của người Mông. Trong sự phát triển ngày nay, không chỉ biết giữ gìn, đồng bào đã biết phát huy giá trị của truyền thống, "biến di sản thành tài sản". Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: “Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc là một trong những nội dung quan trọng, mục đích kép vừa giữ gìn phát huy được bản sắc văn hóa, đồng thời là sản phẩm để phục vụ khách du lịch”.

Với 50 đội văn nghệ trong cộng đồng, 5 đội văn nghệ cấp huyện, đồng bào các dân tộc ở Bắc Hà đã bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển kinh tế du lịch, hướng đến mục tiêu: Phát triển huyện Bắc Hà trở thành điểm đến du lịch đặc sắc./.

Thào Sếnh – Thành Lâm


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết