Gìn giữ nghề truyền thống ở vùng cao Bắc Hà

17:46 12-06-2020 | :2498

Laocaitv.vn - Ở các địa phương vùng cao Lào Cai ngày nay, người dân vẫn còn giữ nhiều nghề thủ công truyền thống, tạo nên những nét văn hóa hết sức độc đáo, điển hình như đồng bào dân tộc Mông ở huyện Bắc Hà. Các nghề như: Chế tác nhạc cụ, thêu dệt thổ cẩm, nấu rượu, đan lát các dụng cụ sinh hoạt, và đặc biệt là nghề rèn đúc nông cụ, đều là những nghề truyền thống được gìn giữ từ đời cha, ông.

Gần 30 năm gắn bó với nghề rèn ông Páo luôn miệt mài, tâm huyết. 

Làng nghề đúc lưỡi cày ở huyện Bắc Hà thường hoạt động từ tháng 12 năm trước, đến tháng 6 dương lịch năm sau, song tập trung chủ yếu trước thời điểm sản xuất vụ xuân và vụ mùa ở vùng cao. Trước kia, tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Bắc Hà, nghề rèn khá phát triển, nhiều hộ có lò rèn riêng để làm ra những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng các nông cụ được rèn đúc thô sơ ngày càng ít đi, nên nghề rèn mai một dần. Gia đình ông Sùng Seo Páo, thôn Na Áng B, xã Na Hối là hộ duy nhất trên địa bàn xã, giữ được nghề rèn truyền thống cho đến thời điểm hiện tại. Ông Sùng Seo Páo, thôn Na Áng B, xã Na Hối, huyện Bắc Hà cho biết: “Tôi làm nghề này gần 30 năm rồi, trước ở trên Ngải Thầu ko có điện, chuyển xuống đây làm thuận lợi hơn. Tôi cũng yêu thích cái nghề này. Mọi người thích sản phẩm của tôi, nên tôi rất vui”.

Gần 30 năm làm nghề, ông Páo đã đúc rút cho mình được những bí quyết gia truyền, để tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao, như dùng loại than đốt lò như thế nào cho lửa tốt; rồi cắt sắt tạo hình, nung qua lửa ra sao… Các sản phẩm được ông Páo tạo ra chủ yếu vẫn bằng phương pháp thủ công, các công đoạn quan trọng như tạo hình, quai búa, làm tay cầm…, đều làm bằng tay, không có sự can thiệp của máy móc. Vì vậy, mà đồ rèn của ông Páo làm ra vẫn có độ tinh xảo, sắc bén và dùng bền lâu hơn, được bà con ưa chuộng, tìm mua về sử dụng. 

Niềm vui của ông Páo là làm ra những sản phẩm có chất lượng.

Việc sản xuất và tiêu thụ lưỡi cày của các lò rèn ở Bắc Hà vẫn ổn định nhờ uy tín đã xây dựng được hàng chục năm qua, bằng những sản phẩm lưỡi cày có mẫu mã đẹp, độ sắc và độ bền cao. Nhưng hiện, giá nhiên liệu than đá, than củi, giá gang tăng cao, khiến cho lời lãi từ nghề này cũng không còn được như ngày trước. Tuy vậy, tâm nguyện phải giữ lấy nghề, phải truyền lửa qua các thế hệ vẫn được các nghệ nhân, các thợ đúc lưỡi cày cao niên ở Na Hối trăn trở. Với gia đình ông Sùng Seo Páo, một gia đình đã 3 đời làm nghề rèn đúc, thì lò rèn sẽ vẫn mãi đỏ lửa, ít nhất là sang đến đời thứ 4, khi ông đã truyền nghề cho cậu con trai cả của mình. Anh Thàn Đặng Quyền, cán bộ văn hóa xã Na Hối, huyện Bắc Hà cho biết: “Trước kia thì có tới 7 - 8 hộ, nhưng giờ chỉ còn có 1 hộ theo nghề này, chúng tôi cũng chưa có chính sách gì để hỗ trợ, nhưng cũng động viên gia đình ông Páo gìn giữ nghề truyền thống, vì mang lại thu nhập chính cho gia đình, cũng là bảo tồn văn hóa của dân tộc mình”.

Làng nghề truyền thống đúc lưỡi cày không chỉ tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân xã Na Hối nói riêng và huyện Bắc Hà nói chung, mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân địa phương. Với quyết tâm gìn giữ làng nghề truyền thống của các thế hệ, mặc dù có lúc thăng, lúc trầm, nhưng nơi đây vẫn còn lò đúc lưỡi cày đỏ lửa vào những mùa trồng cấy, tạo nên một nét đẹp văn hóa đặc sắc trên vùng cao nguyên trắng./.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết