Nghề làm bạc Tiên nữ dưới chân đỉnh Ky Quan San

14:56 06-09-2019 | :1298

Laocaitv.vn - Dưới chân núi Ky Quan San hùng vĩ bốn mùa sương giăng, mây phủ, thôn Séo Pờ Hồ của người Dao đỏ êm đềm trong những hàng cây xanh thẫm, bên con suối Mường Hum trong xanh với những thảm ruộng bậc thang vàng trải dài. Ở đó, những “nghệ nhân nông dân” với “bàn tay vàng” vẫn bền bỉ, lặng lẽ gìn giữ và phát triển nghề kéo bạc độc đáo, nổi tiếng vùng Tây Bắc.

Thôn Séo Pờ Hồ có 58 hộ thì có tới 15 gia đình theo nghề kéo bạc.

Séo Pờ Hồ có 58 hộ thì có tới 15 gia đình theo nghề kéo bạc, đây cũng là nơi hội tụ của những người có bàn tay chạm khắc bạc tài hoa nhất vùng. Truyền thuyết kể rằng: Xưa kia Ngọc Hoàng cho phép các nàng tiên giáng thế, dừng chân tại vùng đất Séo Pờ Hồ thuộc địa phận xã Mường Hum. Các tiên nữ thấy bộ trang phục của người Dao được thêu họa tiết rất đẹp nhưng không có gì để đeo nên đã dạy cho dân bản cách làm trang sức từ bạc trắng như vòng tay, hoa tai và những quả chuông nhỏ đính lên trang phục khiến mỗi bước chân của thanh niên, thiếu nữ người Dao phát ra những âm thanh leng keng rộn vui. Vì vậy mà ngày nay, trên trang phục của người Dao đỏ đều có những quả chuông nhỏ xinh xắn. Người Dao đỏ quan niệm bạc đem lại sự may mắn, tài lộc. Người nào càng nhiều bạc thì càng được “thần bạc” phù hộ cho khỏe mạnh, gặp những điều tốt lành, gia đình thịnh vượng, hạnh phúc. Những bộ áo mũ đẹp nhất thường chỉ được người Dao đỏ mặc đi dự đám cưới, đi xuống chợ phiên hay tới thăm anh em, hàng xóm dịp lễ tết quan trọng. Trang sức bạc đắt tiền cũng là của hồi môn bố mẹ tặng con gái ngày về nhà chồng, hay bố mẹ chồng tặng cho con dâu mới và là lễ vật thách cưới. Ngoài ra, vòng bạc cũng là quà người lớn tặng trẻ nhỏ để cầu mong điều tốt lành cho trẻ…

Người Dao đỏ bản Séo Pờ Hồ chủ yếu làm đồ trang sức bạc trang trí trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc, như dây bạc, chuông bạc. Trên áo của người đàn ông chỉ trang trí dây chuông bạc ở phần ngực áo, giá trị của bộ trang phục khoảng 10 triệu đồng. Mỗi bộ váy áo cưới truyền thống có đính trang sức bằng bạc của phụ nữ người Dao đỏ ở Mường Hum ngày nay có giá từ vài triệu tới vài chục triệu đồng, thậm chí có bộ váy áo đính trang sức bạc có giá tới 60 - 70 triệu đồng. Điều làm cho bộ trang phục này khác biệt với những bộ quần áo bình thường là được trang trí bởi hàng trăm đồng bạc trắng, hàng trăm quả chuông nhỏ, cúc vuông, cúc tròn và những sợi dây chuyền dài ngắn không đếm xuể. Nghệ nhân Tẩn Phù Chu, thôn Séo Pờ Hồ cho biết: "Để tạo ra một sản phẩm phải qua nhiều khâu, khâu nào cũng đòi hỏi người làm phải thật tỷ mỉ kiên trì và nhẫn nại. Khi chọn bạc phải chuẩn rồi đưa vào lò nấu, chú ý lửa, độ nóng. Sau khi bạc chảy ra sẽ cho vào khuân, cho nguội tầm 2 phút sẽ cho vào tán 2 - 3 lần, rồi cho vào nung nóng, để nguội, cho vào khuân để cắt, mài bằng giấy dáp để cho bạc phẳng ra, cho vào hàn. Để làm thành 1 chiếc cúc áo chúng tôi phải làm qua 9 công đoạn".

Những bộ áo mũ đẹp nhất thường chỉ được người Dao đỏ mặc vào những dịp quan trọng.

Nhận thấy những giá trị về mặt truyền thống và giá trị thu nhập mang lại của làng nghề, năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Lào Cai đã cử cán bộ xuống cơ sở tìm hiểu tình hình thực tế và nhu cầu của bà con tại địa phương. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bát Xát, UBND xã Mường Hum đã tuyên truyền để bà con hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển làng nghề tại địa phương, đồng thời tư vấn hướng dẫn cho bà con chuẩn bị các thủ tục cần thiết để lập hồ sơ đăng ký thụ hưởng nguồn vốn khuyến công, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm đảm bảo đủ sức cạnh tranh thị trường. Ông Tẩn Láo San, Bí thư Đảng ủy xã Mường Hum cho biết: "Để tiếp tục duy trì và bảo tồn được làng nghề này thì cấp ủy và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ cho bà con phát triển. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì làng nghề hợp tác xã kết hợp với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nhiều khách hàng ở khắp nơi biết đến, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bạc của bà con nhân dân làm ra".

Ngày nay nghề chạm bạc của người Dao đỏ Séo Pờ Hồ không chỉ là truyền thống văn hóa mà còn giúp nhiều gia đình trở nên khá giả hơn. Bên cạnh việc thành lập Hợp tác xã Bạc Tiên nữ Séo Pờ Hồ và hỗ trợ vốn cho người dân đầu tư máy móc đa dạng hóa sản phẩm, địa phương còn khuyến khích bà con tiếp tục gây dựng làng nghề thành điểm tham quan cho du khách mỗi khi đến với Mường Hum./.

Đức Tiến – Quang Phấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết