Người cao tuổi với việc giữ gìn nghề truyền thống

21:20 22-08-2021 | :705

Laocaitv.vn - Bát Xát là vùng đất giàu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bên cạnh những nét đẹp văn hóa phi vật thể như dân ca, dân vũ, nghi lễ, lễ hội... thì các nghề truyền thống của đồng bào cũng khá phong phú, đa dạng được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong đó, những người cao tuổi đóng vai trò nòng cốt trong việc giữ nghề và truyền nghề.

Gia đình ông Vàng Văn Tỷ ở thôn Phiềng Láo, xã Mường Hum, huyện Bát Xát có nghề gia truyền làm hương. Đây là nghề truyền thống nổi tiếng của người Giáy, với nhiều bí quyết đang được lưu giữ trong cộng đồng. "Nghề này phải có sức một tí mới làm được, nhất là leo núi, leo thang đi lấy cái nọ cái kia. Giữ nghề này thì cũng không giữ được mãi, chỉ có dạy cho con cháu thì sau này con cháu mới nắm được", ông Vàng Văn Tỷ chia sẻ.

Làm hương là một nghề truyền thống của người Giáy ở Bát Xát.

Làm bánh nướng cũng là một trong những nghề truyền thống của người dân xã Mường Hum. Gia đình bà Lò Thị Thào ở thông Mường Hum, xã Mường Hum có 3 thế hệ đang cùng nhau làm nghề và giữ nghề. Các con gái, con dâu, cháu dâu đều được bà truyền dạy nghề làm bánh nướng truyền thống. Khoảng 10 năm trở lại đây, gia đinh bà Thào đã làm bánh để bán, mỗi năm làm khoảng 2.000 chiếc, mang lại nguồn thu từ 30 đến 40 triệu đồng. "Mong muốn truyền dạy cho các con, bảo các con mãi mãi giữ nghề truyền thống của cha ông để lại", bà Lò Thị Thào cho biết.

Bà Thào (giữa) cùng các con cháu lưu giữ nghề làm bánh nướng truyền thống.

Nhiều nghề thủ công truyền thống khác như chạm bạc, đan lát, thêu may thổ cẩm cũng đang được đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bát Xát gìn giữ và phát huy. Trong đó những nghệ nhân cao tuổi có vai trò quan trọng trong việc truyền lửa, giữ nghề.

Ông Vũ Quang Ý, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện Bát Xát cho biết thêm: "Hiện nay, số lượng nghệ nhân cao tuổi không còn nhiều nên rất cần quan tâm để các cụ truyền nghề lại cho con cháu. Tuy nhiên, muốn làm được việc đó, những năm qua Hội đã chú trọng tổ chức cho các cụ đến dự các hội nghị để tuyên dương và có giấy khen, bằng khen tặng các cụ để động viên".

Tuy việc trao truyền còn gặp nhiều khó khăn do không ít người trẻ chưa thực sự quan tâm học nghề. Nhưng với việc tạo ra các sản phẩm hàng hóa và nỗ lực giữ nghề, truyền nghề của các nghệ nhân chắc chắn sẽ mang lại sức sống bền vững hơn cho các nghề truyền thống độc đáo của đồng bào vùng cao Bát Xát.

Đức Trung


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết