Nhịp xòe trên cao nguyên trắng

09:55 09-06-2020 | :1469

Laocaitv.vn - Vài năm gần đây, Bắc Hà đã trở thành một điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn với du khách bốn phương. Đến với Bắc Hà, du khách được thưởng thức hương rượu ngô Bản Phố, hòa với không khí tưng bừng trong những cuộc đua ngựa truyền thống. Và đến với Bắc Hà, du khách được chiêm ngưỡng những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, như nhịp xòe của đồng bào người Tày ở Tà Chải. Xòe không chỉ đơn thuần là món ăn tinh thần truyền thống bao đời của đồng bào nơi đây, mà còn là niềm tự hào, vinh dự của một dân tộc có bề dày văn hóa, là nét đẹp gọi mời du khách gần xa đến với vùng đất cao nguyên trắng.

Ở tuổi 83, ông Lâm Văn Lù, nghệ nhân cao tuổi nhất của xã Tà Chải vẫn say đắm trong những làn điệu truyền thống của dân tộc mình. Niềm đam mê ấy bắt đầu khi ông còn là một thiếu niên, được tham gia vào các lễ hội mùa xuân, được biểu diễn điệu xòe ở đó đây. Đến hôm nay, khi ở cái tuổi xưa nay hiếm, mặc dù sức khỏe đã giảm sút đi nhiều, song ông Lù vẫn luôn khát khao, muốn truyền dạy lại từng làn điệu xòe cho thế hệ con cháu, bởi đó chính là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày cần quan tâm gìn giữ.

Ông Vương truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Cũng giống như ông Lâm Văn Lù, ông Lâm Văn Vương năm nay đã bước sang tuổi 75, nhưng tình yêu với múa xòe trong ông chưa bao giờ vơi cạn. Trong cuốn sổ, ông Vương ghi chép lại một cách tỉ mỉ từng điệu xòe, từng câu hát, điệu múa truyền thống của dân tộc. Theo ông, hiện trong các bản, làng của người Tày xã Tà Chải, vẫn còn lưu giữ rất nhiều điệu xòe cổ, như: Xòe khăn, xòe đập lúa, xòe chiêng, xòe mò cá, xòe nón, xòe quạt..., mỗi điệu đều có những nét đặc trưng riêng biệt, nhưng tất cả đều gắn với đời sống lao động sản xuất của đồng bào nơi đây. Xòe mang đến tiếng cười cho bản, làng, thôn, xóm, giúp mọi người quên nhọc nhằn trong lao động, sống vui vẻ, lạc quan hơn. Những điệu xòe đẹp là thế, ý nghĩa là thế, nên ông Vương luôn trăn trở trong việc lưu giữ và truyền lại những điệu xòe truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ sau. Ông Vương chia sẻ: “Chúng tôi sẽ dạy cho các cháu từng làn điệu một, để giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, sau này các cháu lớn lại truyền cho lớp tiếp theo”.

Điệu xòe là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày... 

Và mong ước ấy của ông Lù, ông Vương phần nào đã trở thành hiện thực, bởi ở Tà Chải hôm nay, đã và đang có không ít người cũng nuôi dưỡng tình yêu với nét đẹp văn hóa của quê hương. Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, hiện nay, xã Tà Chải đã thành lập được 5 đội xòe ở 5 thôn là: Na Kim, Na Pác Ngam, Na Lang, Na Lo, Na Hô, tập luyện thường xuyên để phục vụ các sự kiện, các ngày lễ hội của quê hương, đất nước và phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn. Chị Vàng Thị Hỉn, Đội trưởng Đội văn nghệ thôn Na Lang, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cho biết: “Dạy múa xòe thế này, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của các bác nghệ nhân và sự say mê của các em nhỏ, nên chúng tôi cũng có thêm động lực”.

... Và còn là sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch.

Xòe Tà Chải đang trở thành tài sản quý, một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách bốn phương thông qua việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng, homestay. Ngày hôm nay, những lớp nghệ nhân của làn điệu xòe Tà Chải vẫn đang miệt mài vun đắp, “truyền lửa” nhịp xòe cho thế hệ trẻ, để cùng trân trọng, nâng niu và giữ gìn các giá trị truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc Tày trên vùng đất cao nguyên trắng./.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết