Những nghệ nhân truyền dạy văn hóa dân tộc

16:38 09-04-2021 | :898

 

Laocaitv.vn - Những năm gần đây, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong các trường học luôn được ngành Giáo dục quan tâm, góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc của học sinh. Việc mời các nghệ nhân tới tham gia truyền dạy văn hóa dân tộc trong các hoạt động ngoại khóa là cách làm sáng tạo và hiệu quả đang được nhiều nhà trường thực hiện.

Gắn bó với cây khèn Mông từ hơn 40 năm nay, ông Thào A Chứ, nghệ nhân ở thôn Sín Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai hiểu rất rõ về nghệ thuật khèn, thổi được gần 40 bài khèn, biết gần 20 điệu múa khèn. Những năm qua, ông Chứ đã nỗ lực truyền dạy cách thổi khèn và múa khèn cho lớp trẻ người Mông trên địa bàn. "Tôi giới thiệu cho các cháu về điệu múa khèn và điệu múa sênh tiền, để các cháu hiểu thêm về văn hóa của dân tộc mình”, ông Thào A Chứ tâm sự.

Nghệ nhân Thào A Chứ tâm huyết với chiếc khèn mông.

Ở các bản làng vùng cao Lào Cai, những người am hiểu văn hóa dân tộc như ông Thào A Chứ không còn nhiều. Với tâm nguyện trao truyền những giá trị tinh thần quý báu cho lớp con cháu, các nghệ nhân sẵn sàng trực tiếp tới tham gia buổi học ngoại khóa ở các nhà trường để truyền dạy cho học sinh những câu hát, điệu múa của dân tộc mình. Nghệ nhân người Tày Hoàng Thị Quanh, ở thôn Nà Bay, xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn tâm sự: "Trường cấp 3 ở huyện cũng có mời tôi xuống để dạy hát cho học sinh. Bước đầu là giới thiệu cho các cháu biết về Khắp Nôm, rồi sau đó dạy lời, dạy múa. Tôi sẵn sàng dạy miễn phí, ngay cả vào dịp nghỉ hè, chủ yếu là giúp các cháu biết được về bản sắc văn hóa dân tộc mình".

 

Dạy điệu múa truyền thống cho học sinh tại Làng Giàng.

Thực hiện mô hình trường học gắn với thực tiễn do ngành Giáo dục phát động, nhiều nhà trường trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công mô hình trường học văn hóa gắn với cộng đồng, tạo nên dấu ấn nổi bật cho giáo dục vùng cao Lào Cai. Và những nghệ nhân dân gian đã góp phần không nhỏ vào thành công ấy. “Năm học này, chúng tôi mời được nghệ nhân đến để dạy cho các em vào mỗi buổi chiều. Dạy múa khèn, dạy kéo nhị, múa sênh tiền, qua đó giúp các em thêm yêu trường mến lớp. Chúng tôi mong muốn cấp ủy chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh, các nghệ nhân tiếp tục ủng hộ và đồng hành với nhà trường”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương chia sẻ.

Ấn tượng những mô hình đưa văn hóa truyền thống vào trường học.

Ở các trường học vùng cao hôm nay, học sinh đến trường không chỉ để học cái chữ, tìm tri thức, mà còn học để biết, để thêm yêu những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Điệu múa sênh tiền rộn rã, điệu khèn âm vang, điệu then dìu dặt vẫn được các em luyện tập say mê mỗi ngày với tình yêu và niềm tự hào dân tộc.

Bài, ảnh: Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết