Những người giữ gìn vốn âm nhạc dân tộc

09:18 06-07-2022 | :497

Laocaitv.vn - Trước sự phát triển của đời sống âm nhạc hiện đại, nhạc cụ dân tộc dần trở nên vắng bóng hơn. Dẫu vậy, vẫn luôn có những người hết lòng gìn giữ âm nhạc dân tộc, truyền dạy cho thế hệ trẻ kiến thức về nhạc cụ truyền thống. Ghi nhận tại Khoa Văn hoá - Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai.

Cậu học trò Lèng Văn Đức thể hiện những thanh âm của sáo Mông tại lớp học.

Cơ duyên đến với sáo trong một phiên chợ đêm, Lèng Văn Đức đã nuôi tình yêu với nhạc cụ này nhiều năm. Đến nay, từ một cậu bé vùng cao ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà, Đức đã là sinh viên năm cuối lớp sáo trúc của Trường Cao đẳng Lào Cai. "Tôi nghĩ môn sao trúc mình đang theo học cần được lưu truyền, đặc biệt là tỉnh Lào Cai, sáo mèo cần được lưu truyền vì nó là biểu tượng của ý chí người vùng cao đi lên từ nghèo đói", bạn Lèng Văn Đức, sinh viên Khoa Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai nói.

Đối với những người mới bắt đầu học nhạc cụ dân tộc sẽ mất một khoảng thời gian để làm quen, nhưng đây là bộ môn không quá khó để theo học. Một khi đã hiểu và chơi được nhạc cụ dân tộc, nó không chỉ là một môn học, mà còn là một người bạn đồng hành với mỗi người. "Lúc buồn, lúc vui tôi đều tìm đến nhạc cụ, khi đã đam mê mình coi nó như những người bạn tri kỉ. Dù biết đến nhạc cụ dân tộc lâu rồi nhưng tình yêu với nhạc cụ vẫn luôn cháy bỏng trong tôi", bạn Vương Đức Lương, sinh viên Khoa Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai bày tỏ.

Giảng viên Khoa Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai truyền dạy cho thế hệ trẻ kiến thức về nhạc cụ truyền thống.

Hiện nay, Trường Cao đẳng Lào Cai đang giảng dạy 3 môn nhạc cụ truyền thống là sáo trúc, đàn bầu và đàn tranh. Dù số lượng học viên theo học chưa nhiều, tổng cộng chỉ có 7 học viên, nhưng bằng tình yêu, mong muốn gìn giữ vốn nhạc cụ dân tộc, thầy cô vẫn tận tâm hướng dẫn học trò. "Trong quá trình giảng day thì người thầy phải luôn luôn tìm tòi, tạo động lực cho các trò, những cái mới nhất của nhạc thị trường bây giờ thì hướng dẫn cho các em, thị phạm cho các em để sau này ra trường các em có nhiều kinh nghiệm hơn", thầy giáo Nguyễn Đình Chí, giảng viên Khoa Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai nói.

Nhạc cụ dân tộc là hồn cốt để gìn giữ bản sắc dân tộc, với một tỉnh miền núi, đa dân tộc như Lào Cai, việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống, thông qua nhạc cụ dân tộc, hình ảnh quê hương sẽ được truyền tải, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Diệp Chi – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết