Sa Pa bảo tồn văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

22:25 13-05-2023 | :753

Laocaitv.vn - Với 6 dân tộc gồm: Mông, Dao, Tày, Kinh, Giáy, Xá Phó cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 52%, bảo tồn truyền thống văn hóa gắn với phát triển du lịch đang được thị xã Sa Pa quan tâm. Đây cũng là điểm nhấn để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách, nhất là du lịch cộng đồng.

Ngoài khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, thì tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc là lý do mà ông Gars Gavit, du khách Vương quốc Anh, tìm đến với Tả Van. Đây cũng là địa điểm đầu tiên mà ông Gars Gavit chọn trong hành trình khám phá Việt Nam. "Cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, tôi rất hài lòng với phong cách phục vụ của người dân nơi đây và tôi đang tiếp tục tìm hiểu nét văn hóa của người dân bản địa", ông Gars Gavit chia sẻ. 

Du khách người Anh - ông Gars Gavit tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của người dân Tả Van.

Tại Sa Pa cũng như các địa phương vùng cao khác, du lịch đã tạo môi trường tốt để phục hồi và phát triển một số nghề truyền thống. Trong đó, đồng bào Mông thị xã Sa Pa nổi tiếng với nghề dệt, thêu thổ cẩm, làm trống, chạm bạc, nghề rèn... Để khuyến khích, cấp ủy, chính quyền đang tích cực triển khai nhiều giải pháp trong bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, nhằm thu hút khách du lịch, phục vụ phát triển kinh tế.

Ông Thào A Tung, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa cho biết: "Xã cũng đề xuất phát huy và giữ gìn nghề truyền thống để du khách đến tham quan, cũng như được trải nghiệm sản phẩm truyền thống của đồng bào Mông".

Thị xã Sa Pa đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận. Ngành chức năng và các địa phương chú trọng bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản, vừa phục vụ cho tuyên truyền, quảng bá thu hút khách du lịch; đồng thời tạo ra sản phẩm mang lại sinh kế cho bà con theo phương châm "biến di sản thành tài sản".

Sa Pa đang hỗ trợ, tạo động lực để người dân gìn giữ, phát huy nghề truyền thống.

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: "Chúng tôi đang mời các chuyên gia và các nghệ nhân thực sự am hiểu về các lĩnh vực nghề, để nghiên cứu, sưu tầm lại các mẫu sản phẩm cổ. Qua đó, làm chất liệu chế tác sản phẩm mới mang tính ứng dụng lớn hơn, rộng rãi hơn để phục vụ nhu cầu khách du lịch".

"Đây chính là nội dung mà lãnh đạo thị xã Sa Pa đang tập trung vào để phát huy giá trị di sản văn hóa của Sa Pa, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thay đổi cơ cấu, đặc biệt là liên quan đến thu nhập của người dân nông thôn", ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết thêm.

Sự độc đáo của văn hóa dân tộc thể hiện trong không gian văn hóa các làng bản, nghề truyền thống, trong phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào. Phát huy thế mạnh này, thị xã Sa Pa đang có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo động lực để mỗi người dân gìn giữ, phát huy và khai thác, tạo sinh kế cho phát triển du lịch bền vững.

Việt Hùng – Trần Tuấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết