Laocaitv.vn - Đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật hát then nói riêng, các nghệ nhân đóng vai trò quan trọng, họ chính là các “di sản sống” lưu giữ, truyền dạy để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương. Tại Bắc Hà, Nghệ nhân ưu tú Lâm Quang Cửa chính là người giữ hồn cho điệu then Tày, lan tỏa tình yêu với cây đàn tính quê hương đến với cộng đồng.
Nghệ nhân ưu tú Lâm Quang Cửa là người duy nhất ở Bắc Hà còn biết cách làm đàn tính. Đây là loại nhạc cụ đặc biệt, các công đoạn chế tác đòi hỏi người nghệ nhân phải thực sự kiên trì, khéo léo. Bầu đàn được làm từ những quả bầu già, tròn, rỗng ruột. Cần đàn làm bằng các loại gỗ dẻo được đẽo cho khéo, ráp cho bóng. Với nghệ nhân Lâm Quang Cửa, mỗi cây đàn làm ra đều là tâm huyết, mang dấu ấn của riêng ông.
Nghệ nhân ưu tú Lâm Quang Cửa chia sẻ: "Đàn tính làm đơn giản, nhưng phải làm sao cho đẹp, cho tốt nên cũng mất công. Phải làm sao chọn được quả bầu đẹp, gỗ dâu tốt, những thứ này bây giờ cũng hiếm. Tôi cũng trăn trở, sợ đến lúc mình già rồi không còn đi đàn hát được. Các cháu giờ cũng bận rộn, nên cũng không truyền lại được".
Nghệ nhân ưu tú Lâm Quang Cửa luôn mong muốn truyền lại những nét đẹp nhất, hay nhất của cây đàn tính, điệu hát then Tày.
Nhiều năm nay, nghệ nhân Lâm Quang Cửa luôn trăn trở bởi chưa tìm được người để trao truyền lại bản sắc văn hóa dân tộc Tày, bởi số người còn biết đàn tính chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì thế, khi lớp truyền dạy đàn tính được mở ra, ông đã không quản nắng mưa, nỗ lực trao gửi tới học trò của mình những nét đẹp nhất, hay nhất của cây đàn tính, điệu hát then Tày.
Ông Lâm Văn Trướng, ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà cho biết: "Tôi cũng học cùng với ông Cửa, nhưng ông ấy có năng khiếu hơn nên đàn hát tốt hơn. Tôi cũng đang phụ ông Cửa dạy cho mọi người".
Trải qua thời gian dài, hát then vẫn được lưu giữ và phát triển đến nay nhờ sự đam mê, gắn bó của các nghệ nhân và những người dân yêu thích hát then, đàn tính.
Then là loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Then chính là tiếng lòng của người Tày, là sự kết hợp các yếu tố nghệ thuật như âm nhạc, múa và các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc được thổi hồn trong đó. Mỗi khi tiếng đàn tính, điệu hát then cất lên, người dân nơi đây, từ trẻ đến già yêu mến và cảm thấy gần gũi, thân thiết. Và qua những lớp học, những buổi tập, tình yêu với nhạc cụ, âm nhạc dân tộc càng trở nên sâu sắc hơn.
Chị Hoàng Thị Tuyền, ở thôn Bảo Nhai, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà chia sẻ: "Học hát then tôi thấy rất vui. Hát then đàn tính không phải chỉ dành cho người cao tuổi như tôi vẫn nghĩ, mà nó phù hợp với mọi lứa tuổi".
Nghệ nhân Lâm Quang Cửa đã từng đoạt giải Nhất ở Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc năm 2018, được nhiều bằng khen, giấy khen, nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi về hát then. Nhưng niềm vui lớn nhất của người nghệ nhân này chính là khi được chứng kiến các thế hệ người Tày say mê tập luyện hát then, khi thấy thanh âm trong trẻo của đàn tính dân tộc mình được vang lên giữa bản làng bình yên, no ấm.
Thu Hường - Lương Mạnh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết