Chủ động dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường trong dịp Tết năm 2018

18:38 04-01-2018 | :1315

Laocaitv.vn - Thông thường sức mua của nhân dân vào dịp giáp tết tại Lào Cai tăng mạnh khoảng 30-40% so với ngày thường, các nhóm hàng tăng cầu dịp này thường là lương thực, thực phẩm, đồ uống, chất đốt… Chưa kể ước tính vào dịp tết, sẽ có thêm trên 03 vạn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, do vậy, lượng hàng hóa sẽ tiêu thụ mạnh vào dịp tết. Hiện các đơn vị cung ứng đã sẵn sàng nguồn hàng đảm bảo đủ cung cấp cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Tính đến thời điểm hiện nay, giá các nhóm mặt hàng thiết yếu chưa có biến động lớn, tuy nhiên do trong năm tình hình mưa bão kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất các mặt hàng nông sản (lúa gạo, rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm…). Bên cạnh đó do việc gặp khó khăn trong một thời gian dài đối với tiêu thụ mặt hàng gia súc (thịt lợn) do vậy nhiều trang trại chăn nuôi tập trung công nghiệp không tái đàn, nếu thị trường Trung Quốc không nhập khẩu mặt hàng thịt lợn thì giá cả trong nước không có biến động lớn, tuy nhiên nếu lượng xuất khẩu lớn giá thịt lợn dự báo có thể sẽ tăng đột biến. Các mặt hàng rau xanh dự báo sẽ có tăng nhẹ vào thời kỳ cao điểm sau tết. Giá xăng dầu, giá điện được điều chỉnh tăng vào dịp cuối năm (giá xăng hiện đang cao hơn cùng kỳ năm trước từ 2.000-3.000 VNĐ/ lít), dự báo giá cả một số mặt hàng thiết yếu khác cũng có thể sẽ tăng nhẹ do chi phí sản xuất và chi phí vận tải tăng.

 

Siêu thị Thành Công. (Ảnh: Cao Bá Quý)

Như vậy, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong dịp tết Nguyên đán rất lớn. Tuy nhiên, theo khảo sát thì các đơn vị kinh doanh đã chủ động ký kết hợp đồng, khai thác sản phẩm ngay từ đầu quý IV năm 2017 với tổng giá trị hàng hóa các nhóm mặt hàng thiết yếu lên đến trên 1.200 tỷ đồng, bao gồm: xăng dầu, chất đốt; lương thực, thực phẩm; hàng công nghệ thực phẩm, chế biến sẵn…

 

Siêu thị Mai Long. (Ảnh: Cao Bá Quý)

 

Để bảo đảm đủ lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, ổn định giá cả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến; đồng thời đẩy mạnh công tác đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngành công thương Lào Cai đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Trong đó tập trung vào các giải pháp chính là: 

Tăng cường kiểm soát thị trường: Quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin và tổ chức kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, găm hàng, việc tăng giá quá mức, đưa tin sai lệch về cung cầu, giá cả hàng hóa làm rối loạn thị trường ảnh hưởng đến quyền lợi của nhu cầu tiêu dùng; kiểm tra hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, bao bì, nhãn mác, đo lường, chất lượng của hàng hóa; tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát biên giới, ngăn chặn có hiệu quả đối với hàng nhập lậu; vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; đặc biệt ngăn chặn hàng cấm như pháo, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi trẻ em bạo lực, rượu, thuốc lá, gia súc, gia cầm, thủy sản…; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh của thương nhân tại các chợ phiên, khu vực vùng cao, vùng sâu; chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân và các mặt hàng phục vụ sản xuất, các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp tết Nguyên đán; kiểm tra ngăn chặn các hành vi buôn bán hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, quá hạn sử dụng.

Khu bán thịt lợn tại chợ Nguyễn Du (chợ Gốc Mít)

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Tổ chức kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP tại các thị trường trọng điểm, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm; tổ chức kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP theo quy định; kiểm soát chặt chẽ các loại nông sản thực phẩm nhập khẩu qua cửa khẩu, quản lý chặt chẽ không để cho sản phẩm nông sản thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh ATTP tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và vận chuyển đi các nơi khác; tăng cường công tác giám sát hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc gia cầm và buôn bán thực phẩm bao gói sẵn, vận động thương nhân thực hiện tốt các quy định về ATTP.

Điều tiết lưu thông hàng hóa: Khuyến khích chủ động tổ chức dự trữ hàng hóa (ưu tiên hàng Việt Nam, nhất là hàng Việt Nam chất lượng cao) khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống trong và ngoài tỉnh, bảo đảm dự trữ hàng hóa có chất lượng, đa dạng phong phú đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp ngoài tỉnh tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm; mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa Việt bảo đảm chất lượng nhất là khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu, tăng giờ bán hàng, tổ chức tốt bán buôn, phân luồng, nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm vệ sinh môi trường, trang trí phục vụ văn minh nhằm gây ấn tượng tốt cho khách hàng; các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt dịp trước, trong và sau tết; kiểm soát chất lượng, đo lường, tránh gian lận trong kinh doanh và thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.

Cao Bá Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết