Chủ động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng

09:31 14-11-2017 | :1380

Laocaitv.vn - Tỉnh Lào Cai hiện có 2 nghìn 399 người nhiễm HIV/AIDS đang sinh sống trong cộng đồng. Chưa kể số người nằm trong nhóm có nguy cơ mắc HIV mới cũng đang có xu hướng gia tăng. Đây là nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống. Trước thực tế đó, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đã làm gì để ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ này.

Để hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV hiệu quả trong cộng đồng, thời gian qua, cùng với hoạt động cấp phát các dụng cụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS như: bơm kim tiêm sạch, bao cao su cho nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao; các cơ quan chuyên môn, các đoàn thể xã hội đã chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông trong cộng đồng. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho những người bị nhiễm HIV/AIDS và những người nằm trong nhóm nguy cơ cao thông qua việc phát huy vai trò của các nhóm “đồng đẳng”. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 15 nhóm “đồng đẳng”, thu hút hàng trăm người mắc HIV/AIDS tham gia. Công việc chính của các đồng đẳng viên là tuyên truyền nâng cao nhận thức và cấp phát dụng cụ an toàn cho những người nằm trong nhóm nguy cơ cao để phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng; Truyền thông, tư vấn để cộng đồng bớt cái nhìn định kiến với những người không may nhiễm HIV; Thực hiện thu gom các bơm kim tiêm bẩn đã qua sử dụng, đem đi tiêu huỷ. Các hoạt động truyền thông, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp đã giúp cho nhiều người nhiễm HIV/AIDS và những người nằm trong nhóm nguy cơ cao dần thay đổi nhận thức, chú ý thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng.

Song song với hoạt động tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng, công tác chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS tại địa phương cũng được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Hiện, tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có cơ sở điều trị, tư vấn dành cho người nhiễm HIV. Tại đây, những người nhiễm HIV sẽ được tư vấn, chăm sóc về sức khỏe và các biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV.

Bệnh nhân điều trị bằng Methadone tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS (Ảnh: Cổng TTĐT Sở y tế Lào Cai)

Để giảm tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã thực hiện tốt công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Từ năm 2014 đến nay, đã có 110 phụ nữ trong thời kỳ mang thai được phát hiện nhiễm HIV. Trong số đó có 87 chị đã tham gia điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng HIV (ARV). Tất cả các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV. 85 trẻ có mẹ tham gia chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con hiện đều không bị nhiễm HIV. Điều này đã mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều phụ nữ không may có HIV. Đồng thời thắp lên niềm hy vọng về một tương lai tương sáng cho những đứa trẻ sinh ra từ mẹ có HIV.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao ở Lào Cai chủ yếu là người nghiện ma túy, để tiếp cận và giám sát nhóm đối tượng này là rất khó khăn; Ngoài ra, trong xã hội vẫn còn nhiều người có định kiến, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS. Chính điều này đã trở thành rào cản khiến nhiều người bị nhiễm HIV/AIDS từ chối tiếp cận dịch vụ chăm sóc do sợ bị mọi người biết và có thể bị phân biệt đối xử. Với mục tiêu hạn chế thấp nhất số người bị nhiễm HIV mới trong cộng đồng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường hiệu quả hoạt động tư vấn, điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở Y tế và ngay tại cộng đồng. Đồng thời tăng cường hiệu quả công tác truyền thông để thay đổi cái nhìn của cộng đồng với những người không may nhiễm HIV/AIDS… Từ đó tránh cho họ những mặc cảm, động viên họ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Hiện nay HIV/AIDS vẫn là căn bệnh chưa có thuốc chữa hoàn toàn. Do đó, việc phòng, chống sự lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng là hết sức cần thiết không chỉ của riêng các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, mà cần bắt đầu từ chính những người không may có HIV. Cùng với đó, cộng đồng xã hội cũng cần có cái nhìn bao dung hơn với những người nhiễm HIV, giúp họ tránh được những suy nghĩ và hành động tiêu cực, là những công dân có ích cho cộng đồng.                 

 Mai Huệ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết