Chúng ta buộc phải theo đuổi và thậm chí đón đầu các nền tảng mới

12:58 20-06-2022 | :362

Laocaitv.vn - Ông Lê Quốc Minh chia sẻ, chuyển đổi số trước hết phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí, phải chuyển đổi số thì mới giữ chân được độc giả, duy trì sự ảnh hưởng và thậm chí có thể tăng doanh thu.

Thời gian qua, trên các phương tiện báo chí truyền thông và mạng xã hội đã đề cập khá nhiều về chủ đề chuyển đổi số; sự tác động của nó tới hoạt động báo chí truyền thông. Ông đánh giá như thế nào về sự chuyển đổi số trong hoạt động báo chí trong thời gian qua?

Ông Lê Quốc Minh: Chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với các cơ quan báo chí nếu muốn tồn tại, bởi độc giả đang có xu hướng xa rời các nền tảng truyền thống và chuyển sang các nền tảng mới. Chúng ta buộc phải theo đuổi và thậm chí đón đầu các nền tảng mới, nếu làm được điều này chúng ta sẽ sống sót, tồn tại và sau đó mới có thể phát triển được.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số, cho rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số, nhưng thực ra không phải vậy. Chúng ta cần phân biệt giữa “số hoá” và “chuyển đổi số”. Chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số. Nếu mới chỉ đưa được những nội dung của mình lên nền tảng số một cách đơn giản thì chúng ta mới chỉ dừng ở giai đoạn số hoá thôi, còn chuyển đổi số là tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, quy trình phát hành mới, quy trình kinh doanh báo chí mới, tạo ra những sản phẩm mới và thậm chí tạo ra cả văn hoá mới trong toà soạn phù hợp trong chuyển đổi số đó mới thực sự là chuyển đổi số.

Chuyển đổi số không phải khi đạt được một chu kỳ sẽ dừng lại mà phải liên tục đổi mới không ngừng. Thậm chí, cả các cơ quan chủ lực cũng mới chỉ xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế số, chuyển đổi số ở giai đoạn đầu và cần có những chiến lược cụ thể hơn. Chỉ khi có chiến lược tốt thì quá trình thực hiện mới thực sự đạt được những kết quả quan trọng. Để chuyển đổi số cần có sự đồng bộ từ những người xây dựng chiến lược đến những người trực tiếp triển khai, thậm chí từng phóng viên phải thấm nhuần tư duy về chuyển đổi số thì quá trình này mới có thể thành công.

Nhiều đơn vị báo chí đang cảm thấy khó khăn khi phải chạy theo các công nghệ mới. Vậy theo ông chúng ta có cần phải chạy theo các công nghệ mới hay cần phải có một tư duy đi trước để bắt kịp thời đại?

Ông Lê Quốc Minh: Theo tôi đây là chuyện hết sức bình thường khi chúng ta đang tiến tới công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các xu hướng khác của tương lai. Vì vậy, sẽ xảy ra trường hợp khi các cơ quan báo chí dồn quá nhiều nguồn lực để nắm bắt được công nghệ đó có thể sẽ cảm thấy thất vọng vì sai đường. Không có một mẫu số chung nào cho các cơ quan báo chí trong việc chuyển đổi số hay làm sao để nắm bắt được các công nghệ trong 5 đến 10 năm tới. Để làm được điều đó cần khả năng nhanh nhạy và có sự nghiên cứu kĩ bởi không phải xu hướng công nghệ nào mới mẻ hay ho chúng ta cũng nên áp dụng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có rất nhiều công nghệ trông thì hào nhoáng nhưng chưa chắc đã áp dụng hiệu quả cho một cơ quan báo chí nhất định. Ví dụ như chúng ta thấy có một số cơ quan báo chí đã sử dụng phát thanh viên robot nhưng bạn đọc có thể tò mò vào xem 1-2 lần sau đó không bao giờ quay lại nữa. Hay một công cụ rất phổ biến của các website hiện nay đó là Tech to Speech (biến một văn bản thành giọng nói-PV) nhưng bạn đọc cũng chỉ lướt qua 1-2 lần rồi thôi.

Chính vì vậy sẽ có rất nhiều công nghệ có thể ứng dụng rất hiệu quả đối với tờ báo này nhưng lại không hiệu quả với tờ báo khác, điều này còn phụ thuộc vào việc nắm bắt đúng xu hướng, trúng xu thế của độc giả. Và không phải lần nào cũng sẽ bắt trúng được mà chúng ta phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận sai lầm. Nhưng xu hướng chung sẽ là sai lầm rút ra rất nhanh thay vì cứ cố gắng chạy đuổi theo để gây tổn thất về tài chính.

Vậy theo ông các cơ quan báo chí nên làm như thế nào để chuyển đổi số hiệu quả?

Ông Lê Quốc Minh: Bất kỳ cơ quan báo chí nào thì mục tiêu lớn nhất cũng là làm cho nội dung của mình tiếp cận được với càng nhiều đối tượng độc giả càng tốt. Khác biệt nằm ở chỗ là mỗi một cơ quan báo chí sẽ nhắm đến một đối tượng bạn đọc khác nhau để phân cấp loại nội dung thuộc về thế mạnh của mình. Trong thời gian qua với những kênh truyền thống đã khai thác rất tốt thế mạnh của mình, thậm chí đã khai thác hiệu quả những nội dung vừa mang tính tuyên truyền vừa mang tính giải trí. Những nội dung đó đã nhận được sự quan tâm của người xem rất lớn, cụ thể là nhiều nội dung được phát trên các nền tảng kĩ thuật số hay chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm rất đông của mọi người. Tuy nhiên, để duy trì sự sáng tạo về nội dung trong tương lai, lại có thể tiếp cận được với người dùng khi họ đã chuyển sang các nền tảng mới là điều rất quan trọng.

Hôm nay chúng ta nói về internet và mạng xã hội nhưng có thể trong tương lai gần sẽ còn xuất hiện các nền tảng khác nữa và làm như thế nào để chiếm lĩnh được tất cả các nền tảng và đưa được các nội dung đặc thù của mình đến với càng đông độc giả, khán thính giả đặc biệt là đến với được nhóm độc giả mục tiêu của mình là điều hết sức quan trọng.

Trong thời đại truyền thông số, nơi mỗi người có thể tiếp cận thông tin không giới hạn thông qua internet, báo chí cũng cần có sự thay đổi trong cách đưa tin. Bây giờ báo chí không viết một tin cho vạn người, triệu người đọc. Một nội dung có thể có cả nghìn phiên bản khác nhau cho những đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, ta chỉ làm được điều đó nếu nắm dữ liệu gốc về độc giả.

Chúng ta phải chủ động trong việc thu thập dữ liệu độc giả. Nắm bắt, có mối quan hệ, hiểu được độc giả thì phần thắng nắm 50%. Không được phụ thuộc vào các nền tảng, phải phối hợp với họ nhưng đồng thời chủ động thu thập dữ liệu gốc về độc giả để chủ động quá trình sản xuất thông tin.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Thảo - Tạp chí Hải Quan


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết