Chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững ở Văn Bàn

15:23 29-07-2020 | :683

Laocaitv.vn - Sau gần 5 năm thực hiện, Đề án số 06 về Giảm nghèo bền vững huyện Văn Bàn giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được kết quả tích cực, không những tỷ lệ giảm nghèo vượt kế hoạch đề ra, mà mục tiêu giảm nghèo bền vững đang mang lại những đổi thay tích cực trong đời sống cũng như tư duy sản xuất của người nông dân.

Trồng dâu nuôi tằm ở Liêm Phú đang là một nghề cho thu ổn định.

Những năm trước, gia đình bà Vi Thị Quý, thôn Liêm, xã Liêm Phú canh tác thuần nông, thu nhập không cao. Đầu năm 2019, thông qua mô hình trồng dâu nuôi tằm có sự hỗ trợ từ dự án giảm nghèo của huyện, bà Quý đã chuyển phần lớn diện tích canh tác lúa sang trồng dâu nuôi tằm. Ưu thế của trồng dâu nuôi tằm đó là kỹ thuật khá đơn giản, đầu tư ban đầu không lớn nhưng nhanh cho thu hoạch và lợi nhuận bước đầu không hề nhỏ.

Với nhiều địa phương, khi đưa vào thử nghiệm cây trồng hoặc vật nuôi mới, bên cạnh kỹ thuật thì vấn đề mà cấp ủy, chính quyền cũng như hầu hết người dân quan tâm đó chính là đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, mô hình trồng dâu nuôi tằm ở Liêm Phú lại khác, ngay từ khi bắt đầu triển khai, bài toán về đầu ra cho sản phẩm đã được giải quyết. Đây là lý do giúp cho gần 40 hộ gia đình ở Liêm Phú mạnh dạn thực hiện. Ông Hoàng Văn Hơn, Chủ tịch UBND xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn cho biết: “Kinh nghiệm để áp dụng chương trình giảm nghèo thực chất phải có sự liên kết chặt chẽ với những đối tác và phải mời gọi họ vào, đặc biệt là sự đồng thuận của bà con. Chính quyền địa phương đóng vai trò kết nối và giúp đỡ, tạo điều kiện về khung cơ chế thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Họ sẵn sàng bỏ vốn, cây giống, con giống đầu tư cho bà con, và họ sẽ thu hoạch lâu dài, thu hồi vốn dần dần chứ không phải một lúc”.

Triển khai Đề án số 06 về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 huyện Văn Bàn chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch có lộ trình, đề ra chỉ tiêu giảm nghèo từng năm, trọng tâm là gắn giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện đề ra 8 nhiệm vụ cụ thể, gồm: Giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo và tái nghèo; nâng cao năng lực cán bộ giảm nghèo; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó là quan tâm đến các nhu cầu thiết yếu theo chuẩn nghèo đa chiều, như hỗ trợ giáo dục đào tạo, y tế, hỗ trợ nhà ở...

Dự ước số hộ nghèo của huyện Văn Bàn giảm xuống còn 9,5% vào cuối năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Bàn, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Văn Bàn cho biết: “Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa của giảm nghèo bền vững, xóa dần tư tưởng trông chờ vào Nhà nước, chủ động vươn lên thoát nghèo. Phòng cũng chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo đảm bảo đến tận cơ sở, đến tận người dân. Người dân hiểu thì sẽ tích cực tham gia ủng hộ”.

Giai đoạn 2016 - 2020, Văn Bàn đặt mục tiêu giảm 5% hộ nghèo/năm, tuy nhiên kết quả đạt vượt mục tiêu (đạt 5,14%/năm), trong khi hộ tái nghèo chỉ chiếm 0,36%. Như vậy, số hộ nghèo từ 35,17% năm 2016, dự ước xuống còn 9,5% cuối năm 2020.

Từ kết quả đạt được, giai đoạn 2020 - 2025 Văn Bàn phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% - 5% hộ nghèo trở lên. Để đạt mục tiêu này, huyện chỉ đạo thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách giảm nghèo. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tránh trông chờ, ỷ lại, nỗ lực vươn lên thoát nghèo./.

Lê Liên - Trần Tuấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết