Laocaitv.vn - Tại Lào Cai, việc mở rộng kênh phân phối, đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn được xác định là giải pháp hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm sản xuất trong nước và trong tỉnh, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với nhu cầu thực tế.
Người dân ngày càng tin dùng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Là một trong những siêu thị tại thị xã Sa Pa thu hút đông khách hàng mua sắm. Để có nguồn hàng chất lượng cao, siêu thị này chọn những nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất uy tín và có giá cạnh tranh tốt. Tại đây, có đến hơn 90% là các mặt hàng được sản xuất trong nước, đặc biệt, một số mặt hàng nông sản rau, củ, quả sản xuất tại thị xã Sa Pa đã tạo thuận lợi cho khách hàng lựa chọn, mua sắm. Bà Nguyễn Thị Hồng Mai, Quản lý siêu thị cho biết: "Để đẩy mạnh hàng Việt, đơn vị sẽ xem trên địa bàn thị xã xem Nhân dân họ sản xuất được những loại rau nào thì sẽ lấy ở tại Sa Pa trước. Nói chung tất cả các hàng hóa ở đây đều là hàng Việt".
Dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế phục hồi, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng kịp thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung vào thị trường nội địa. Như tại hợp tác xã này, sản phẩm trước đây chủ yếu là xuất khẩu, nhưng khi nguồn cung bị gián đoạn, đơn vị chủ động kết nối, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong nước để mở rộng thị trường. Chị Chảo San Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã Red Dao cho biết: "Sau dịch Covid-19 thì chúng tôi nhận ra rằng tệp khách hàng nội địa cũng rất tiềm năng, nhất là với những sản phẩm thủ công như chúng tôi làm. Hiện tại, chúng tôi cũng có nhiều cách tiếp cận như đưa lên web, các sản thương mại điện tử để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn".
Các địa phương, đơn vị đã chú trọng hơn đến việc đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử.
Bên cạnh kênh phân phối tại 72 chợ truyền thống và hơn 1.500 cửa hàng tạp hóa trên toàn tỉnh, ngành Công Thương Lào Cai cũng phối hợp với các địa phương, đơn vị đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử. Hết năm 2022, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã gia nhập các sàn thương mại điện tử, 50% chủ sở hữu sản phẩm được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử, giúp sản phẩm đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng. Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết: "Sở Công Thương, hàng năm, đều tham mưu cho Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch hành động, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong tỉnh để triển khai nội dung này. Thông qua các hoạt động xúc tiến là các hội chợ, hội thảo và các chương trình Bộ Công Thương phát động".
Nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, giá cả phù hợp, mở rộng tiêu thụ tới địa bàn vùng cao, vùng nông thôn trong tỉnh giúp cho hàng Việt Nam khẳng định thị phần. Đây cũng là giải pháp để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày càng lan tỏa./.
Thế Long - Thành Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết