Đề phòng nguy cơ bệnh tay chân miệng

20:32 06-06-2022 | :297

Laocaitv.vn - Tay chân miệng là bệnh phổ biến ở trẻ dưới 10 tuổi, do virus đường ruột gây ra và dễ phát sinh thành dịch do dễ lây truyền. Từ cuối tháng 5 trở lại đây, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh ghi nhận nhiều trẻ phải nhập viện điều trị vì căn bệnh này.

 

Khi phát hiện các triệu chứng của bệnh chân tay miệng cần cho trẻ thăm khám bác sỹ để nghe tư vấn điều trị.

Có tất cả các triệu chứng điển hình như sốt cao, loét miệng, bỏ ăn, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân sau đó lan ra toàn thân, bệnh nhi được xác định mắc tay chân miệng ở thể nặng, mức độ 2. Sau gần 1 tuần điều trị, hiện sức khoẻ của cháu bé đã ổn định, cải thiện tốt các triệu chứng trước đó. Chị Chu Thị Hương, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai chia sẻ: "Con tôi sốt, nổi mụn bác sỹ cho uống thuốc không đỡ. Mụn nổi khắp người cả trong họng, miệng, quấy khóc thấy không an toàn nên cho con vào viện. Hiện tại cháu đã đỡ hơn, ăn được, chơi đùa, không quấy khóc".

Theo ngành Y tế, so với thời điểm này của các năm trước, năm nay bệnh tay chân miệng trong cả nước có xu hướng tăng cao và dễ chuyển nặng. 3 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh điều trị cho khoảng 10 bệnh nhi nhiễm căn bệnh này. Bệnh có thể dễ dàng lây truyền qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng. Do vậy, các phụ huynh cần phải có các giải pháp phòng bệnh để giảm nguy cơ phát sinh thành dịch. Anh Ngô Văn Vương, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai chia sẻ: "Tôi thấy cháu có triệu chứng tôi đưa nhập viện luôn. Bắt đầu có biểu hiện tôi đã cách ly với chị gái, vệ sinh tay chân miệng cho cháu nhiều hơn để không bị lây nhiễm".

Bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên cha mẹ cần theo dõi, chăm sóc trẻ để phòng ngừa biến chứng nặng. Bác sĩ Hoàng Tùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai cho biết: "Bệnh tay chân miệng độ 1 thì điều trị tại nhà được, nhưng có bất kỳ triệu chứng tăng nặng nào như sốt cao liên tục, giật mình bất thường, bệnh chuyển độ 2A thì nên đưa trẻ đến viện. Vì có thể gây các biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm não… để lại hậu quả nặng nề, có thể tử vong".

Để phòng tránh tay chân miệng, các bậc phụ huynh cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không cho con em tiếp xúc với trẻ đã nhiễm bệnh. Đồng thời duy trì chế độ ăn uống đủ chất, giàu vitamin để tăng sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật ở trẻ.

 Vân Anh-Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết