Đồng bào vùng cao quảng bá, bán sản phẩm du lịch qua mạng
19:59 04-12-2024
| :46
Laocaitv.vn - Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Sa Pa đã tích cực ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh dịch vụ, đưa các sản phẩm truyền thống lên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Qua đó góp phần tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ trang phục truyền thống, vòng bạc đeo cổ, đến các mặt hàng lưu niệm thổ cẩm... đang được chị Sy Chẳn và các bạn phiên dịch giới thiệu qua hình thức livestream sang đất nước Thái Lan. Vừa livestream, vừa bán trực tiếp cho khách du lịch, trung bình mỗi tháng, chị Chẳn bán được từ 80 đến 100 sản phẩm, thu lãi trên 20 triệu đồng.
Chị Sy Chẳn, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa chia sẻ: "Từ khi bán hàng qua mạng xã hội, tôi bán được nhiều sản phẩm hơn, khách nước ngoài cũng biết đến sản phẩm của mình nhiều hơn. Từ đó, thu nhập của tôi cũng được nhiều hơn so với trước đây".
Chị Sy Chẳn livestream giới thiệu sản phẩm thổ cẩm và các mặt hàng truyền thống của Sa Pa
Hỗ trợ người dân chuyển đổi số, đặc biệt là các hộ làm dịch vụ, kinh doanh nông sản địa phương... Các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử và phát triển chiến lược marketing online, làm video… được Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa phối hợp tổ chức. Từ những lớp học như vậy, anh Vàng Văn Trường có thêm kiến thức, kỹ năng để quảng bá các sản phẩm đặc sản địa phương.
"Tôi đã đưa các sản phẩm du lịch gia đình đến với cộng đồng, sàn thương mại điện tử, nhưng hướng đi chưa đúng cách. Sau buổi học hôm nay, tôi học được nhiều thứ, trang bị thêm kiến thức để có thể áp dụng tại gia đình trong thời gian tới để làm tốt hơn", anh Vàng Văn Trường, thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, chia sẻ.
Lớp tập huấn kỹ năng bán hàng online và marketing tại thị xã Sa Pa
Không chỉ chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu các dịch vụ lưu trú, sản phẩm du lịch và điểm đến ..., chuyển đổi số cũng tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của người dân vùng cao. Trong đó, thanh toán bằng mã quét QR có mặt tại khắp các quầy hàng của bà con Sa Pa.
Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: “Họ có thể ngồi tại nhà để bán các sản phẩm của mình và điều đó đã được chứng minh tại một số địa điểm, như thổ cẩm, dược liệu, cá hồi, cá tầm chế biến sâu… Có những sản phẩm bán online còn nhiều hơn offline".
Thanh toán bằng mã quét QR tại khắp các quầy hàng của bà con Sa Pa
Cùng với các trạm phát sóng 3G, 4G, hiện thị xã Sa Pa đã có 12 trạm phát sóng 5G. Việc phát triển hạ tầng công nghệ gắn với tập huấn, đào tạo kỹ năng chuyển đổi số đang giúp cho đồng bào vùng cao Sa Pa tự tin hội nhập với xu hướng kinh doanh hiện đại trên thế giới.
Thào Sếnh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết