Laocaitv.vn - Xuất khẩu lao động là hướng đi được tỉnh khuyến khích các địa phương thực hiện, coi đây là một trong những giải pháp thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Trên thực tế, đa phần lao động nông thôn khi đi xuất khẩu lao động đều có thu nhập cao, ổn định gửi về cho gia đình. Đặc biệt những kiến thức, kinh nghiệm và kỷ luật lao động học tập, tích lũy được trong thời gian lao động ở nước ngoài đã giúp nhiều lao động khi trở về địa phương tự tin phát triển kinh tế.
Trở về quê hương sau 5 năm xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, cùng với xây dựng được một ngôi nhà khang trang cho gia đình, anh Vũ Đình Gió còn một khoản vốn và kinh nghiệm để đầu tư làm nông nghiệp sạch, với một số loại rau, quả được thị trường ưa chuộng như: dâu tây, cà chua, cải kale, bắp cải... Mỗi năm mô hình mang lại cho anh nguồn thu khoảng 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương.
Anh Vũ Đình Gió đầu tư làm nông nghiệp sạch.
Anh Vũ Đình Gió, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà chia sẻ: “Tôi học được từ cách họ trồng, chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng cho cây, học thêm được cách quản lý nhân sự, chi phối mọi thứ trong nông trại. Mục tiêu trong thời gian tới là mong muốn phát triển rộng thêm nữa để hướng đến nền nông nghiệp bền vững, được nhiều khách hàng biết đến”.
Anh Bàn Văn Chiến cũng mới trở về quê nhà Bảo Thắng sau 18 năm đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Từ nguồn tích lũy gửi về, gia đình anh thuộc diện khá giả ở địa phương và nhiều tài sản tích lũy. Đặc biệt, với tay nghề thành thạo trong lĩnh vực lắp ráp ô tô, anh tự tin tham gia xuất khẩu lao động ở các nước trên thế giới.
Anh Bàn Văn Chiến, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Thời gian tới tôi cũng định hướng đi nước ngoài tiếp. Nói chung, môi trường làm việc ở nước ngoài ổn định. Bên đấy dành dụm thì có thu nhập tốt hơn Việt Nam”.
Những tấm gương như anh Gió, anh Chiến đã trở thành động lực để người lao động ở nhiều địa phương trong tỉnh thêm tự tin tham gia thị trường xuất khẩu lao động theo định hướng của chính quyền địa phương.
Tham gia thị trường xuất khẩu lao động theo định hướng của chính quyền địa phương.
Chị Đặng Thị Thơm, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng nói: “Tôi cũng mong muốn đi xuất khẩu lao động để về trang trải cuộc sống. Thời gian tới, tôi sẽ tìm hiểu thêm về xuất khẩu lao động và sẽ đi trong ngày gần nhất”.
Bà Lương Thị Hoa, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm kết nối cung cầu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước”.
Lào Cai hiện có 800 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, 11 lao động của tỉnh qua biên giới làm việc theo Biên bản Hội đàm giữa tỉnh Lào Cai, Việt Nam với Chính phủ Nhân dân huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tạo ra "hiệu quả kép", thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo bền vững ở các địa phương.
Diệp Chi - Lương Mạnh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết