Giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh vùng cao

14:56 01-11-2021 | :288

Laocaitv.vn - Những thay đổi chính sách trong giáo dục đang là vấn đề được các trường học vùng cao quan tâm. Hiện tại, các nhà trường đang nỗ lực tìm các giải pháp để đảm bảo hoạt động giáo dục, trong đó quan tâm duy trì và nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú. Và mấu chốt để tháo gỡ khó khăn này, bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, sự chia sẻ của các ban, ngành, quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình trong việc học của con em mình.

Học sinh vùng cao nộp củi và gạo cho nhà trường.

Năm nay, nông dân ở Bản Pho, xã Mường Bo, thị xã Sa Pa được mùa lúa. Vậy nhưng, cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều nỗi lo. Thu nhập giảm sút do dịch Covid-19. Chính sách thay đổi do xã Mường Bo đã về đích nông thôn mới, trẻ em của thôn đi học đã phải nộp tiền. Khó khăn là vậy, nhưng nhiều bà con vẫn cố gắng chăm lo chu đáo việc học của con mình. Chị Chảo Tả Mẩy, người dân ở thôn Bản Pho, xã Mường Bo, thị xã Sa Pa chia sẻ: "Thóc lúa thì gia đình vẫn đủ ăn, nhưng mà tiền mặt thì không có. Nếu con đi học thì bán bớt thóc đi để nộp học cho con. Còn ăn ở trường, gia đình sẽ nộp củi với gạo mỗi tháng".

Bữa ăn bán trú được đảm bảo.

Nhờ 1 bó củi và 7 kg gạo được các phụ huynh đồng thuận nộp cho bếp ăn bán trú mỗi tháng, Trường PTDT bán trú THCS Suối Thầu đã bớt phần nào gánh nặng về đảm bảo bữa ăn cho học sinh tại trường. Các nhân viên cấp dưỡng cũng thuận lợi hơn trong việc nấu nướng, chế biến thức ăn mỗi ngày. Anh Chảo Phù Quáng, nhân viên cấp dưỡng của nhà trường cho biết thêm: "Chế độ của các cháu có giảm đi một chút. Chúng tôi cũng đã bớt đi 1 cấp dưỡng, rồi mỗi người cố gắng làm việc nhiều hơn để đảm bảo bữa ăn cho các cháu".

Trên thực tế, năm học này, chế độ hỗ trợ cho học sinh của Trường PTDT bán trú THCS Suối Thầu có biến động khá nhiều, do tác động của Quyết định 861. Trường có 118 học sinh bán trú, thì hiện tại có 95 em ở thôn đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ, còn lại 23 em ở thôn Bản Pho hưởng chế độ theo Nghị quyết 12 của Hội đồng Nhân dân tỉnh, tức là mỗi em hưởng 298.000 đồng/tháng, các em cũng sẽ không được cấp gạo bán trú như trước. Với quyết tâm không để các em bán trú bị dứt bữa, cũng tránh tình trạng 1 mâm cơm, 2 chế độ, nhà trường đã có cách làm sáng tạo. Thầy giáo Trần Quyết Tiến, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Suối Thầu, xã Mường Bo, thị xã Sa Pa chia sẻ thêm về cách làm sáng tạo này: "Chúng tôi họp phụ huynh đầu năm, đối thoại với Nhân dân, thỏa thuận mỗi em học sinh hưởng theo Nghị định 116 sẽ hỗ trợ 58.058 đồng cho học sinh Bản Pho, để các em cùng ăn chế độ 527.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, phụ huynh Bản Pho sẽ đóng góp thêm gạo, củi để bớt nhiên liệu, góp cho bữa ăn công bằng, đồng đều".

Những thay đổi chính sách phần nào khiến người dân ở những vùng khó gặp khó khăn. Tuy nhiên, quyết định kịp thời của tỉnh với Nghị quyết 12, cùng cách làm sáng tạo của các trường học vùng cao vừa sẻ chia với bà con, vừa thay đổi nhận thức của người dân với trách nhiệm đóng góp cho con đi học. Hiệu quả trước mắt ở ngôi Trường PTDT bán trú THCS Suối Thầu, là tỷ lệ chuyên cần vẫn duy trì trên 98%. Và vui hơn cả, những bữa ăn bán trú vẫn ấm áp, đủ đầy, để học sinh có thêm điều kiện học tập.

Bài, ảnh: Thu Hường - Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết