Làm gì để bảo vệ công dân Việt bên kia biên giới? (kỳ 1)

10:21 06-03-2019 | :264

Laocaitv.vn - Là tỉnh vùng cao biên giới, Lào Cai đang đối mặt với một vấn đề xã hội khá nhức nhối, đó là người lao động tự ý vượt biên trái phép qua bên kia biên giới làm thuê. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay với số lượng tăng nhanh và khó kiểm soát. Trong khi công tác quản lý còn bất cập  thì làm thế nào để bảo vệ, hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra đối với công dân của mình là câu hỏi đặt ra lúc này.

Những ngôi nhà cửa đóng then cài

Thôn Cán Hồ, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, hơn 8h sáng nhưng hầu hết các ngôi nhà nơi đây đều cửa đóng then cài. Một khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu, mặc dù đây là thời điểm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán chưa lâu. Thay vì lên nương, hầu hết bà con đã rời bản sang bên kia biên giới.

Phải đi qua nhiều nhà chúng tôi mới tìm gặp được anh Sùng Khái Hồng. 2 vợ chồng anh cũng là những người đã bám trụ, lao động trái phép ở bên kia biên giới nửa năm, mới trở về trước tết Nguyên đán. Lý do 2 vợ chồng trẻ này tới giờ vẫn chưa qua biên giới đó là đứa con thứ 2 vừa mới sinh trước tết, chưa thể đem theo. Nhưng anh Hồng không dám chắc mình ở nhà thêm bao lâu, bởi năm trước, 2 vợ chồng cũng đã mang theo đứa lớn hơn 3 tuổi khi đi làm thuê.

Cán Hồ có 33 hộ gia đình, 212 khẩu, tuy nhiên, thời điểm chúng tôi thực hiện phóng sự này thì đang có 28 hộ, 189 khẩu vượt biên trái phép sang làm thuê bên kia biên giới. Với gần 100% đồng bào dân tộc Mông, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2018, số hộ dân của thôn tự ý bỏ thôn đi làm thuê liên tục tăng. Hộ ít nhất 1 khẩu nhưng số này không nhiều, còn chủ yếu mỗi hộ có từ 2 đến 3 thậm chí 4 khẩu, gần như tất cả họ đều vượt biên trái phép. Bà con bỏ bản đi làm thuê, công tác quản lý địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, chủ trương chính sách đến không biết truyền đạt cho ai. Đây là tâm sự chất chứa nỗi buồn, xen lẫn lo lắng của ông Phàn Khái Lìn, trưởng thôn Cán Hồ. "Công tác quản lý rất khó khăn. Chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con không nên đi nữa, ở nhà trồng trọt, cho con cái ở nhà đi học. Tuy nhiên, các cháu nhỏ có đi học nhưng không đầy đủ, nhiều cháu phải bỏ học", ông Phàn Khái Lìn cho biết thêm.

Cũng là một trong những điểm nóng về tình trạng lao động vượt biên trái phép, theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ từ sau tết Nguyên đán đến đầu tháng 3/2019, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà đã có 497 lao động rời bản sang Trung Quốc làm thuê, chiếm tới gần 1/3 tổng số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn. Đặc biệt, địa phương này có trên 20 hộ đưa tất cả các thành viên trong gia đình vượt biên qua bên kia biên giới; 15 em trong độ tuổi đi học nhưng đã bỏ học theo bố mẹ đi làm. Ông Giàng Seo Vềnh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền vận động, giải thích đến bà con, nhưng đều không hiệu quả.

Tại địa bàn có nhiều lao động vượt biên trái phép đi làm thuê, hầu hết các gia đình có người ở lại đều là người già và trẻ nhỏ.

Theo thống kê của ngành chức năng, trong 2 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, số lao động xuất cảnh qua biên giới làm việc có chiều hướng gia tăng. Trong đó, khoảng 70% lao động không có thủ tục xuất cảnh. Những địa phương có nhiều lao động tự do qua biên giới là Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương. Nguyên nhân là do một bộ phận người lao động, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số chưa có việc làm ổn định, thiếu việc làm hoặc việc làm thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cá nhân phía Trung Quốc không yêu cầu cao về trình độ, tay nghề, phù hợp với khả năng lao động của đồng bào, với mức thu nhập khá hơn tại địa phương. Về chủ quan, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ, những rủi ro, nguy hiểm của việc vượt biên trái phép.

Không khó để nhận thấy những hệ lụy khi lao động vượt biên trái phép đi làm thuê bởi nó đang hiện hữu. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại địa bàn có nhiều lao động vượt biên trái phép đi làm thuê, hầu hết các gia đình có người ở lại đều là người già và trẻ nhỏ, có hộ bỏ lại 2 đến 3 con nhỏ cho ông bà, hoặc trẻ tự chăm nhau. Rất nhiều em không được đi học, hoặc đi học không đều, còn trẻ lớn đang tuổi học thì cũng bỏ đi theo mẹ cha, tương lai của chúng rồi sẽ mịt mù tăm tối. 

Bên cạnh có thu nhập cao là cái lợi trước mắt nhìn thấy, theo nắm bắt từ lực lượng chức năng thì người lao động đi làm thuê bằng con đường bất hợp pháp cũng chịu nhiều rủi ro, hệ lụy. Có người bị Công an Trung Quốc bắt giam khoảng 3 tháng, có người gia đình phải vay mượn, mang tiền sang chuộc về; cá biệt có trường hợp đã bỏ mạng nơi đất khách quê người.

Năm 2017, huyện Mường Khương có 74 người và năm 2018 con số này tăng lên 164 người bị nhà chức trách Trung Quốc bắt, xử lý hành chính và tiến hành các thủ tục trao trả công dân qua lực lượng chức năng. Có ngày, Công an huyện Mường Khương đón nhận 15 trường hợp do phía Công an Trung Quốc trao trả. Không ít người lao động thiếu hiểu biết đã trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người; có người bị lực lượng chức năng Trung Quốc tạm giữ, xử phạt và cũng có người bị chủ sử dụng lao động không trả công tới 2 năm liền. Anh Lồ Xào Củi - một người dân ở thôn Cán Hồ, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương là một trong những nạn nhân như thế. Mặc dù vậy, anh Củi vẫn có dự định sẽ cùng vợ tiếp tục vượt biên đi làm thuê, để lại 4 đứa con nhỏ cho mẹ già chăm sóc.

Lao động vượt biên trái phép qua bên kia biên giới gia tăng, hệ lụy đã nhìn thấy, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa kiểm soát được. Vậy, nguyên nhân tại sao, quản lý Nhà nước khó ở điểm nào? Mời quý độc giả đón đọc kỳ 2 của phóng sự có tiêu đề: Quản lý Nhà nước đối với lao động tự do – khó ở điểm nào?

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết