Laocaitv.vn - Theo Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc cho biết, trung bình mỗi năm tại Lào Cai xảy ra từ 10 đến 15 vụ sạt lở đất và lũ quét, lũ ống, cướp đi tính mạng của nhiều người dân và gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng về kinh tế. Tỉnh Lào Cai đã chủ động đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu và đưa vào thành một trong những nội dung quan trọng của Đề án số 10 về “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”.
Kiểm tra, rà soát, phát hiện những biến động địa chất tại các địa phương.
Băng tuyết, hạn hán, lũ lụt... những biểu hiện điển hình của biến đổi khí hậu đang xuất hiện với tần suất ngày càng dày và khốc liệt, gây những ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế, xã hội toàn cầu nói chung và Lào Cai nói riêng. Để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, các địa phương đã thường xuyên rà soát, phát hiện những biến động địa chất, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện quy hoạch, sắp xếp, di chuyển dân cư từ khu vực có nguy cơ thiên tai cao đến nơi ở mới an toàn. Chị Lò Tả Mẩy, thôn Pờ Sì Ngài, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Mình chuyển về nơi mới thấy rất tốt, mưa không lo nữa. Mình chỉ cần làm ăn thôi. Mong là con đường sớm hoàn thành thì bà con đi lại sẽ nhanh hơn”.
Một trong những giải pháp được xem là căn cơ, hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai được Lào Cai xác định và triển khai trong thời gian qua đó là tích cực trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể, Lào Cai đã đạt được kết quả khá ấn tượng đó là nâng tỷ lệ tán che phủ rừng từ 53,3% cuối năm 2015 lên 56% năm 2020. Điều đáng nói là diện tích mới được phủ xanh trong 5 năm qua hầu hết là những vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt có độ dốc và nguy cơ sa mạc hóa cao. Ý nghĩa công tác trồng, bảo vệ, phòng chống cháy rừng đã được tuyên truyền sâu rộng, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đã nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
“Ngày xưa trồng cứ hết mầu là lại bỏ đi làm chỗ khác. Bây giờ dân làm cố định, trồng hiệu quả được cây cối bán, đất giữ được mầu, khai thác đợt đầu song lại làm đợt sau. Người dân không phá rừng nên nước lại to hơn rồi, dòng nước to thì mới dẫn về ruộng của mình được”, ông Triệu Kim Tiến, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên cho biết.
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân trồng rừng.
Lào Cai cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ khâu quy hoạch, quản lý và giao khoán đất rừng, tạo các kênh vốn hỗ trợ trồng rừng, đặc biệt là sự cải thiện về cơ chế chính sách thu hút đầu tư giúp gia tăng giá trị của rừng để nông dân Lào Cai có thể phát triển sinh kế gắn với nghề rừng.
“Chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh tiếp tục tập trung tốt công tác tuyên truyền; tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, trong đó quan trọng là phải nâng cao giá trị kinh tế từ rừng; tiếp tục triển khai khuyến khích tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư vào công nghiệp chế biến, nhất là chế biến lâm sản, từ đó tạo đầu ra cho sản xuất lâm nghiệp, mang lại thu nhập ổn định và bền vững”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết.
Từ việc khai thác là chính đến nay rừng ở Lào Cai đã được quan tâm nuôi dưỡng mở rộng về diện tích, nâng lên về chất lượng, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển, giúp Nhân dân xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó kết quả trồng, bảo vệ và phát triển rừng của Lào Cai còn có ý nghĩa đặc biệt trong bảo vệ nguồn nước đầu nguồn, điều hòa khí hậu và hệ sinh thái, hạn chế tác động xấu của các hiện tượng thời tiết cực đoan, giúp Lào Cai chủ động hơn trong việc thích ứng với biến đổi khi hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết