Lào Cai – Cửa ngõ đón đại pháo về Điện Biên

19:20 06-05-2024 | :95

Laocaitv.vn - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo binh đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử này. Và có một câu chuyện lịch sử không được nhiều người biết tới – Lào Cai chính là cửa ngõ đón đơn vị pháo binh hùng mạnh nhất của ta lúc đó về nước tham gia chiến dịch.

Khẩu đại pháo 105 ly.

Năm 1953, Trung đoàn pháo 45 (còn gọi là Đoàn pháo binh Tất Thắng) sang Mông Tự (thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) huấn luyện và tiếp nhận 20 khẩu đại pháo 105 ly được lệnh về nước tham gia chiến đấu.

Khi về tới Lào Cai, Đoàn pháo binh Tất Thắng sẽ tập kết tại Tuyên Quang để chuẩn bị chiến đấu. Có 3 phương án hành quân được đưa ra, Bộ Chỉ huy đã họp bàn và đưa ra một quyết định rất táo bạo đó là - sửa đường cho xe chở pháo về tới Bảo Hà; sau đó tháo rời pháo và xe đưa xuống bè chở xuôi sông Hồng về bến Âu Lâu (Yên Bái).

Bộ đội công binh và dân công Lào Cai sửa đường cho xe chở pháo.

Thực hiện phương án này, bộ đội công binh và dân công Lào Cai được huy động, gấp rút sửa 70km đường từ cầu Hồ Kiều về Bảo Hà. Công việc chỉ được tiến hành sau nửa đêm, khi máy bay Pháp ngừng tuần tiễu và bắn phá. Đến gần tết Quý Tỵ (năm 1953), 30 chiếc xe GMC chở 20 khẩu pháo, 3.500 viên đạn và nhiều khí tài, vật tư khác về tới Bảo Hà. Tại đây, một kỳ tích quân sự đã được lập nên.

Ông Nguyễn Đức Tình, Cựu chiến binh Đoàn pháo binh Tất Thắng cho biết: “20 khẩu pháo ấy không đi đường bộ được bởi vì máy bay địch khống chế. Cuối cùng phải chọn phương án là tháo pháo ra cho xuôi bè”.

Ông Mai Văn Thế, Cựu chiến binh Đoàn pháo binh Tất Thắng chia sẻ: “Tất cả các chiến trường chưa có nước nào là nước tháo pháo. Thế thì chiến trường Việt Nam đòi hỏi phải tháo pháo thì cố vấn Trung Quốc bấy giờ khóc về cái vấn đề tháo pháo”.

Ông Đào Tam Trọng, Nguyên phiên dịch viên đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc cho biết: “Các đồng chí bạn nói là pháo không thể tháo được. Tháo ra thì không có phương pháp để mà lắp vào thì cán bộ của ta nhất định phải tháo bởi vì chúng ta đi đường sông. Nếu đường sông cả cái cố pháo nặng bao nhiêu tấn như thế xuống thì không có cái mảng nào, thuyền nào chịu nổi. Cố vấn không đồng ý nhưng cuối cùng cũng phải đồng ý”.

Tháo pháo đưa lên bè chở xuôi sông Hồng.

Mỗi khẩu pháo, mỗi chiếc xe GMC được tháo ra làm 3 phần, vận chuyển bằng sức người xuống bè. Nặng nhất là nòng pháo có trọng lượng hơn 800 kg, đòi hỏi không bị xây xát, va đập. Đồng bào Bảo Hà và các xã trong vùng đã góp sức cùng bộ đội san tạo 4 bến sông; chặt 30.000 cây tre, nứa để đóng bè, chặt song mây làm dây khiêng; góp bông gòn, rơm, rạ để bó nòng pháo và rải trên đường xuống bè, để lỡ bị đứt dây cũng không ảnh hưởng tới nòng pháo. Tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái đã huy động 30 chiếc thuyền đinh để tham gia vận chuyển.

Ông Nguyễn Đức Tình, Cựu chiến binh Đoàn pháo binh Tất Thắng cho biết thêm: “Phải thử trước. Đầu tiên vỡ toang bè. Thử 3 lần thì mới kết luận mới được”.

Suốt 2 tháng sau đó, ngày nghỉ, đêm đi để tránh máy bay Pháp bắn phá, qua bao thác ghềnh xuôi sông Hồng gần 100 km, đoàn thuyền mảng chở trọng pháo đã về tới bến Âu Lâu và vị trí tập kết an toàn. “Tháo pháo đưa lên bè chở xuôi sông” được đánh giá là “cuộc hành quân sáng tạo có 1 không 2 trong lịch sử quân sự thế giới”. Người Lào Cai có quyền tự hào về những đóng góp của địa phương trong cuộc hành quân lịch sử này của pháo binh Việt Nam. Để đại pháo có mặt ở Điện Biên, trút lửa xuống đầu quân Pháp, góp phần to lớn làm nên đại thắng chấn động địa cầu.

Trung Hiếu - Đức Trung - Quỳnh Chi


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết