Laocaitv.vn - Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, trong 9 tháng năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 284 vụ tảo hôn. Con số này cao hơn nhiều so với vài năm trở lại đây, bất chấp những giải pháp quyết liệt từ chính quyền địa phương. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Ghi nhận của phóng viên tại huyện Si Ma Cai, nơi có số vụ tảo hôn tăng gấp 2 lần so với năm 2019.
Hiện, vấn nạn tảo hôn vẫn được xem như ngọn lửa cháy âm ỷ ở các bản làng vùng cao.
Không cưới hỏi, không ông mai bà mối, tháng 3 năm 2020, Thào Thị Sa và Giàng Seo Sếnh về chung một mái nhà. Sa khi đó mới học lớp 8, tròn 14 tuổi. Còn Sếnh hơn vợ 2 tuổi và đã nghỉ học. Kết quả của cuộc hôn nhân tuổi teen là 1 cái thai 6 tháng tuổi đang lớn dần trong bụng của Sa. Sự hồn nhiên, vô tư ở cái tuổi ăn, tuổi chơi nay nhường chỗ cho sự lo lắng, bất an hiện hữu trên khuôn mặt của đôi vợ chồng trẻ. "Chúng em quen nhau trên facebook, về ở với nhau 2 tháng có bầu. Từ trước đi học ước mơ của em là muốn đi học hết, kiếm việc làm, bây giờ ở nhà rồi không thực hiện được, chắc em phải ở nhà nuôi con chăm sóc em bé thôi", em Thào Thị Sa, thôn Sẻ Mản Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai trải lòng.
Số liệu thống kê của huyện Si Ma Cai cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, địa phương có 106 trường hợp học sinh bỏ học tảo hôn. Con số này tăng gấp đôi so với cả năm 2019. Ở xã Quan Hồ Thần có 51 em học sinh bỏ học tảo hôn trong nửa đầu năm nay. Sau khi được thầy cô và địa phương vận động thì có một số em quay trở lại trường. Nhưng do các em đã về ở nhà chồng nên có cố gắng cũng chỉ đi học đến hết lớp 9.
"Trở lại trường rồi nhưng các em đến gia đình nhà chồng các em ở, dẫn đến công tác quản lý của nhà trường không đảm bảo, tỉ lệ chuyên cần không được cao", thầy giáo Hoàng Văn Thiết, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS số 1 Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai cho biết.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Si Ma Cai có 106 trường hợp học sinh bỏ học tảo hôn.
Một trong những nguyên nhân chính khiến số vụ tảo hôn ở các địa bàn vùng cao tăng đột biến trong nửa đầu năm nay là do thời gian các em học sinh được nghỉ học kéo dài. Không có sự quản lý của nhà trường, các em tự do sử dụng điện thoại, kết nối với nhau qua mạng xã hội, dễ nảy sinh tình cảm khác giới. Trong khi đó, thời gian này nhiều gia đình đã lợi dụng việc giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 và sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương để hợp lý hóa việc kết hôn cho con.
Về phía chính quyền địa phương cũng rất khó khăn trong việc phát hiện, xử lý những trường hợp tảo hôn trong thời gian diễn ra Covid-19. Lí do các gia đình không tổ chức cưới xin, cũng không cần ông tơ, bà mối nên chính quyền cũng không có căn cứ để xử lý. Tất cả vụ việc tảo hôn chỉ được phát hiện sau khi sự đã rồi.
Có thể thấy, vấn nạn tảo hôn vẫn được xem như ngọn lửa cháy âm ỷ ở các bản làng vùng cao. Và dịch bệnh Covid-19 vừa qua nó như một luồng gió giúp ngọn lửa đó có cơ hội bùng phát dữ dội. Vậy trước vấn nạn này, chính quyền địa phương đã có những giải pháp gì nhằm kéo giảm số vụ tảo hôn xuống? Chúng tôi sẽ trở lại câu chuyện này vào những phóng sự tiếp theo được đăng tải trên Laocaitv.vn, mời quý độc giả quan tâm theo dõi.
Trung Kiên - Tuấn Nam
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết