Nông dân Si Ma Cai thay đổi tư duy từ Nghị quyết 22

13:50 14-12-2020 | :660

Laocaitv.vn - Kết thúc năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Si Ma Cai là 57,01%, nằm trong số những huyện nghèo của cả nước. Vậy nhưng theo ước tính, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến hết năm 2020 chỉ còn khoảng 12,35%, tức là trung bình mỗi năm địa phương đã giảm được gần 9% số hộ nghèo. Điều quan trọng hơn là thông qua các chương trình, dự án, trong đó có nguồn lực từ Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy, người dân Si Ma Cai không chỉ giảm được nghèo mà còn thay đổi cơ bản về tư duy trong lao động sản xuất.

Các hộ dân ở Si Ma Cai áp dụng việc chăn nuôi gia súc theo phương pháp bán chăn thả nên hiệu quả kinh tế khá cao.

Nhiều năm trước, do thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật cùng với tập quán thả rông gia súc đã khiến hoạt động chăn nuôi của nhiều hộ gia đình ở Si Ma Cai đạt hiệu quả không cao. Còn giờ đây đến với Si Ma Cai, ngay cả giữa mùa đông khô khát sẽ vẫn thấy hiển hiện những nương đồi xanh mướt cỏ voi. Hầu hết các hộ tham gia chăn nuôi đại gia súc đều thực hiện xây dựng chuồng trại đảm bảo kỹ thuật. Sự đổi mới này có được từ sau khi Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy được triển khai tại địa phương giúp hàng ngàn hộ gia đình tham gia nghề chăn nuôi gia súc theo phương pháp bán chăn thả, hạn chế tối đa những rủi ro.

Cùng với chăn nuôi, việc đưa các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng để thâm canh, tăng vụ, tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích đất đã thu hút ngày càng nhiều gia đình ở Si Ma Cai tham gia, với tư duy và cách làm hoàn toàn mới. Trước đây, nhiều diện tích nương đồi được người dân sử dụng để trồng một vụ ngô duy nhất, thời gian còn lại đều bị bỏ hoang. Giờ đây, giữa sắc màu ảm đạm ở vùng cao trong ngày đông lạnh giá thì những mảnh nương đã toát lên màu xanh tươi tốt của các loại rau. "Trước kia, không có kỹ thuật thì gia đình tôi không biết làm. Bây giờ, sau khi thu hoạch ngô xong thì tôi trồng rau. Cách trồng rau bây giờ so với trước kia khác hoàn toàn, trước kia chỉ trồng một loại rau trên một mảnh nương, bây giờ thì trồng nhiều loại rau khác nhau, nhờ vậy mà thu nhập của gia đình tôi cũng ổn định hơn", anh Lừu Seo Sảng, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai chia sẻ.

Việc áp dụng các mô hình phát triển kinh tế mới cũng được nông dân Si Ma Cai đẩy mạnh thực hiện.

Không còn trông chờ vào cây lúa, cây ngô trên nương đồi khô khát như trước đây, nhiều hộ dân đã nuôi chí làm giàu, trồng gì, nuôi gì cũng nghĩ đến đảm bảo quy mô để thành hàng hóa. Từ rau màu trái vụ, đến những gốc cây ăn quả, giờ đây người dân Si Ma Cai còn khá chủ động trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để trồng cấy những loại cây có thể thu về tiền tỷ trên mỗi ha như sa nhân tím, tam thất, đương quy để làm giàu.

Những mô hình kinh tế mới thể hiện sự năng động, cách tiếp cận mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế không chỉ khẳng định ý nghĩa, động lực của Nghị quyết 22 và nhiều chương trình, dự án trong việc giúp huyện vùng cao Si Ma Cai giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 57% năm 2015 xuống còn 12,35% năm 2020, mà quan trọng hơn là đã giúp người dân nơi đây tiếp cận được với kiến thức khoa học và tư duy phát triển kinh tế mới để giảm nghèo bền vững.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết