Si Ma Cai vận dụng sáng tạo Nghị quyết 22 để giảm nghèo

09:16 18-11-2020 | :713

Laocaitv.vn - Sau gần 6 năm triển khai Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy về “Giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020” đã góp phần quan trọng, giúp huyện Si Ma Cai giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 57,01% năm 2015 xuống còn 12,35% vào năm 2020. Kết quả ấn tượng này cũng nhờ sự năng động, sáng tạo trong quá trình triển khai nghị quyết của cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương.

Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng cây. 

Mục tiêu cơ bản mà Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy đặt ra đó là hỗ trợ nguồn lực, giúp Nhân dân trên địa bàn có điều kiện vận dụng các mô hình kinh tế hiệu quả cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập để mỗi năm Si Ma Cai có thể giảm được từ 7 đến 10% số hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, Huyện ủy Si Ma Cai đã chủ động thành lập ban chỉ đạo, đồng thời ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 22. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị ngành Nông nghiệp Si Ma Cai đã tích cực phối hợp với các địa phương rà soát lợi thế, tiềm năng, qua đó tham mưu để huyện có những chỉ đạo đúng, trúng và đảm bảo hiệu quả trong sử dụng nguồn lực từ Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy. Ông Thào Seo Lừ, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: “Chúng tôi tập chung vào chăn nuôi ví dụ như là nuôi bò vàng địa phương. Loại gia súc này rất phù hợp với khí hậu lạnh ở trên này nên phát triển tốt. Chúng tôi đã lựa chọn cho bà con chuyển một số diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ để phát triển đại gia súc. Ngoài ra chúng tôi còn hỗ trợ cho bà con trồng cây dược liệu vì cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây tam thất. Vụ đông thì chúng tôi tập chung chuyển đổi trồng rau màu, đặc biệt là cây cải mèo, cây rau bắp cải chính vụ, su hào và rau đậu hà lan”.

Để khắc phục khó khăn do trình độ canh tác lạc hậu, chăn nuôi truyền thống kém hiệu quả của đồng bào, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, lựa chọn những hộ gia đình tích cực trong lao động sản xuất, có đồng cỏ và hệ thống chuồng trại đảm bảo để tham gia dự án. Huyện Si Ma Cai đã đặc biệt chú trọng đến phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Gia đình bà Vàng Thị Lan ở xã Bản Mế là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương được lựa chọn tham gia dự án phát triển đại gia súc, theo tinh thần Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy. Bởi chồng là đảng viên nên chị luôn cố gắng đảm bảo chăn nuôi an toàn, hiệu quả. Chị Lan chia sẻ: “Các con đi học cả rồi, chồng thì công tác ngoài huyện cơ, mình phải cố gắng tự làm thôi. Phải làm chuồng to như cán bộ hướng dẫn mới nuôi được nhiều trâu. Bây giờ trâu đẻ rồi, nhiều bà con đến xem lắm. Mình cũng thấy vui nhưng cũng không chủ quan được, phải chăm sóc trâu cẩn thận, nó mà bị ốm chết là không có tiền trả nợ ngân hàng đâu, còn nuôi con đi học nữa”.

Nông dân vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế.

Cùng với chăn nuôi, việc ứng dụng các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao ngày càng được đẩy mạnh trên địa bàn. Bắt đầu từ những gốc cây ăn quả, rau trái vụ, rồi sau đó là những loại cây có thể thu về tiền tỷ trên mỗi ha đã thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình tham gia trồng cấy. Đặc biệt từ năm 2018, theo Quyết định số 31 ngày 23/10/2018 của UBND tỉnh là chuyển 1,5 tỷ đồng trong tổng số 2 tỷ đồng hỗ trợ mỗi xã theo tinh thần Nghị quyết 22 trước đây sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để hỗ trợ người dân theo hình thức cho vay, hiệu quả của nguồn hỗ trợ đã được nâng lên rõ rệt. Ông Dương Đức Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Si Ma Cai cho biết: “Ngân hàng chính sách xã hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp hướng dẫn cho bà con xây dựng các dự án đúng theo quy định. Các cây con phải phù hợp với đặc hữu của địa phương và phải đảm bảo đầu ra lâu dài cho bà con. Như vậy thì tiền qua Ngân hàng Chính sách giải ngân mới đạt hiệu quả cao, bà con cũng có khả năng để tự lực phát triển kinh tế. Việc triển khai Nghị quyết 22 là phần quan trọng để thay đổi dần nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con Nhân dân, chuyển từ nguồn vốn cho không sang nguồn vốn cho vay, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững”.

Với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành chức năng ở địa phương đã giúp đồng bào tự tin bắt đầu với nền sản xuất nông nghiệp mới. Đến nay, sau gần 6 năm triển khai Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy, bộ mặt nông thôn của Si Ma Cai đã có những thay đổi rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/người/năm, vượt 11,5 triệu đồng so với mục tiêu nghị quyết, qua đó góp phần giảm sấp sỉ 45% số hộ nghèo trong giai đoạn 2015 - 2020.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết