Laocaitv.vn - Giúp học sinh tăng tính tự lập, hình thành các kỹ năng sống cần thiết, đây là mục tiêu chính của những mô hình tự quản bán trú đang được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện, với những cách làm sáng tạo.
Laocaitv.vn - Giúp học sinh tăng tính tự lập, hình thành các kỹ năng sống cần thiết, đây là mục tiêu chính của những mô hình tự quản bán trú đang được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện, với những cách làm sáng tạo.
Giàng A Đông điểm danh các bạn trước khi vào giờ ăn.
Mỗi khi tiếng kẻng báo giờ ăn vang lên, Giàng A Đông cùng các bạn trong nhóm tự quản nhanh chóng vào vị trí để làm công việc của mình. Từ khi tham gia công việc này, Đông nhanh nhẹn, tự tin hơn hẳn. "Ở bán trú, các thầy cô rèn cho chúng em biết gấp chăn màn, vệ sinh phòng ở. Em còn tham gia đội tự quản để kiểm tra nội vụ bán trú. Khi em về nhà, bố mẹ biết em làm việc đó bố mẹ cũng rất vui", em Giàng A Đông, Trường PTDT bán trú THCS Tả Giàng Phìn, thị xã Sa Pa bày tỏ.
Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Y Tý dọn dẹp sau bữa ăn.
Sau một thời gian dài rèn nề nếp cho học sinh, giờ ăn bán trú của Trường PTDT bán trú Tiểu học Y Tý, huyện Bát Xát cũng đã quy củ hơn hẳn. Không lộn xộn chen lấn, những học sinh được phân công sẽ chủ động chia cơm canh cho các bạn. Các em cũng sẽ tự dọn dẹp ngay sau mỗi bữa ăn. "Mỗi bữa ăn chúng em sẽ chia đều thịt, rau, cơm cho các bạn, chia cơm không được để rơi ra bàn. Trước khi ăn thì phải mời, ăn xong chúng em xếp hàng đi rửa bát và sau đó sẽ đi ngủ", em Tẩn Thùy Mai, Trường PTDT bán trú Tiểu học Y Tý, huyện Bát Xát chia sẻ.
"Gian đoạn khó khăn nhất là 2 - 3 tháng ban đầu khi các con mới ra đây. Các thầy cô phải hướng dẫn từng chút một để rèn luyện kĩ năng cho các con", thầy giáo Nguyễn Đình Hải, Trường PTDT bán trú Tiểu học Y Tý, huyện Bát Xát cho biết.
Hiện, toàn tỉnh duy trì gần 140 trường bán trú và hơn 80 trường có học sinh bán trú, đảm bảo điều kiện học tập cho trên 40.000 học sinh. Sớm triển khai và duy trì tốt mô hình tự quản trong nhà trường, học sinh bán trú sớm tự lập và chủ động trong học tập, rèn luyện. Việc giáo dục tâm lí cho học sinh, nhất là lứa tuổi THCS cũng được quan tâm đặc biệt. "Phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm, kể cả trong khu bán trú, nội trú thì người giáo viên trực ở khu đó cũng là người phải sẵn sàng tư vấn tâm lí cho học sinh, giúp đỡ các em vượt qua khó khăn về tâm lí, nhất là những lứa tuổi đang thay đổi về cơ thể và tâm lí", ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh nói.
Tại những trường học của vùng cao Lào Cai, những môi trường bán trú lí tưởng đã dần được hình thành. Không chỉ được quan tâm về vật chất, tinh thần, quan trọng hơn, học sinh còn được trang bị các kĩ năng mềm, tinh thần tự giác, tự lập, hành trang không thể thiếu cho các em trong tương lai.
Thu Hường – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết