Tạo động lực phát triển cho vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

13:51 16-11-2021 | :633

Laocaitv.vn - Sáng 16/11, tại tỉnh Lào Cai, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị khóa IX tổ chức Hội thảo trực tuyến “Định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Dự hội thảo tại đầu cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy các địa phương trong vùng; các tổ chức quốc tế, chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Về phía tỉnh Lào Cai, tham gia hội thảo có đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành trong tỉnh.

 

Các đại biểu dự hội thảo tại đầu cầu Lào Cai.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước. Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 37 và Kết luận 26 của Bộ Chính trị, với sự quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư của Trung ương, sự chủ động, nỗ lực cố gắng vươn lên của các địa phương trong vùng, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh thêm: Trên cơ sở đánh giá khách quan những kết quả đạt được cùng những khó khăn, hạn chế trong liên kết phát triển vùng, quán triệt tinh thần các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng trong việc xác định quan điểm, định hướng phát triển vùng đến năm 2030, các địa phương trong vùng cần có tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và quy hoạch đồng bộ. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ cần hướng tới một tầm nhìn phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập.

Phát biểu định hướng chủ đề tham luận tại hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa quan trọng giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phù hợp với bối cảnh mới. Đặc biệt là các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt có tính vùng, liên vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông, bổ sung nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đã trình bày tham luận “Xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc”. Theo đó, tỉnh Lào Cai đang tập trung đồng bộ các giải pháp phát triển đồng bộ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh trong vùng và cả nước dựa trên tiềm năng, thế mạnh, nội lực của địa phương.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai trình bày tham luận tại hội thảo.

Tiếp tục chương trình hội thảo, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các địa phương trong vùng đã tập trung thảo luận, làm rõ tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong mối liên hệ tổng thể của vùng và cả nước.

Tại 2 phiên thảo luận bàn tròn và tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thêm về những thuận lợi, khó khăn, tập trung đề xuất những giải pháp và kinh nghiệm quốc tế trong liên kết vùng.

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng: "Cần phát huy tiềm năng, lợi thế các địa phương tạo thành chuỗi liên kết và giá trị để nâng cao thu nhập; phát triển hạ tầng, thu hẹp khoảng cách với mức trung bình cả nước".

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "Một số khó khăn, thách thức trong vùng ngày càng lớn như vấn đề bảo vệ nguồn nước hay bảo vệ rừng. Những vấn đề này không nằm trong phạm vi giải quyết đơn lẻ của các địa phương. Vấn đề sẽ khả thi hơn khi được giải quyết theo cách tiếp cận của vùng. Một số quốc gia trên thế giới cũng đang thực hiện như vậy. Điều đặc biệt cần lưu ý là cơ chế tài chính để giải quyết những thách thức của vùng rất quan trọng. Tôi hy vọng với cách tiếp cận vùng như hôm nay, vấn đề sẽ được giải quyết".

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Thông qua các tham luận tại hội thảo đã cung cấp thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37 và tham mưu cho Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng phù hợp nhằm phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian tới.

Thông qua hội thảo, các bộ ngành và địa phương đã thống nhất đề xuất Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết mới cho vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 với những chủ trương, định hướng phù hợp bối cảnh, tình hình mới và bổ sung cơ chế, chính sách mới để tạo động lực phát triển cho toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Thanh Sơn – Trần Tuấn – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết