Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước sau đại dịch

16:53 15-06-2020 | :567

Laocaitv.vn -  Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 15/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục dành cả ngày làm việc ở hội trường, để thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội được đại biểu, cử tri quan tâm. Một trong những vấn đề đó là tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, triển khai dự án để thúc đẩy, vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.

Quang cảnh hội trường.

Đồng tình với nhận định, những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua của Việt Nam, được quốc tế đánh giá cao, Nhân dân tin tưởng, song sau dịch, cả nước cần ưu tiên cao cho việc khôi phục nền kinh tế. Để làm được điều này nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tận dụng cơ hội hậu Covid-19, để chủ động đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài, có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời, để thu hút đầu tư, trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý. Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rắng: “Chúng ta phải có kế hoạch cụ thể, chủ động lựa chọn đầu tư, ở đâu, ở lĩnh vực nào, trong quy hoạch phát triển của từng ngành, từng vùng và của cả nước; phân định rõ trách nhiệm trung ương phải làm gì, địa phương làm gì, doanh nghiệp làm gì, để đón đầu. Đồng thời xúc tiến từ việc đầu tư nước ngoài, đầu tư công, tôi cho rằng cần phải quan tâm đến đầu tư tại chỗ, quan tâm tới các nhà đầu tư, đã và đang thực hiện ở nước ta, nhưng đang gặp khó khăn”.  

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho ý kiến.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, song theo các đại biểu, vẫn cần tiếp tục cải cách một cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa, để tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp. Đặc biệt bên cạnh quan tâm thu hút doanh nghiệp nước ngoài, thì cũng không được bỏ quên doanh nghiệp trong nước. Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho ý kiến: “Nhiều địa phương đã trải thảm đỏ cho các tập đoàn đa quốc gia, tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn vướng mắc bởi các thủ tục phức tạp, kéo dài, nhiều thủ tục còn rườm rà. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp mất 3 - 4 năm để giải quyết những vấn đề này, khiến họ cảm thấy hụt hơi, nản chí. Thiết nghĩ nếu chúng ta đang dọn tổ đón đại bang, thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ”.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng phát biểu.

Cùng với việc gỡ khó cho doanh nghiệp, các đại biểu cũng cho rằng: Bộ, ngành trung ương, địa phương và bản thân các doanh nghiệp cần chủ động trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để không bị tụt hậu. Đại biểu Lê Thu Hà, Ủy Ban Đối ngoại Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho rằng: “Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi trong việc kinh doanh số, định hình nên kinh tế số, cần bao gồm các chính sách và quy định liên quan đến các luồng dữ liệu xuyên quốc gia, bảo mật dự liệu, an ninh mạng... Việt Nam cần chủ động tham gia vào các khuân khổ pháp lý khu vực toàn cầu, để phát triển kinh tế số. Có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, chú trọng tới các chính sách, để tiếp cận với dịch vụ thanh toán an toàn, và bảo đảm mang lại cơ hội thực hiện thanh toán điện tử cho cả khách hàng, doanh nghiệp trong và nước ngoài".

Đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai phát biểu.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, cần đánh giá sâu thêm về chất lượng tăng trưởng GDP và tính bền vững, phân tích các vấn đề như giải quyết việc làm, môi trường, năng suất lao động, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công…./.

Hùng Cường


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết