“Thắp lửa” học tập ở bản Mo 1, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên

17:47 03-11-2019 | :1824

Laocaitv.vn - Từ hơn 02 năm nay ở bản Mo 1, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên có lớp học “đặc biệt”, học viên với đủ mọi lứa tuổi, từ các em nhỏ cho đến cụ già ngoài 70 tuổi, nhiều người chưa một lần được đến trường. Giáo viên không phải là những người công tác trong ngành Giáo dục, nhưng vì lòng đam mê, khát khao cống hiến, đã nỗ lực vượt khó để “gieo chữ” cho đồng bào nơi đây.   

Lớp học “đặc biệt”, học viên với đủ mọi lứa tuổi, từ các em nhỏ cho đến cụ già ngoài 70 tuổi. (Ảnh: Trung Kiên)

Những âm thanh quen thuộc vang lên vào mỗi buổi tối, xóa tan đi sự tĩnh lặng ở trên rẻo cao Mo 1, nơi được cho là khó khăn nhất, nhì huyện Bảo Yên. Bà Đặng Thị Chồn, năm nay gần 70 tuổi là học viên của lớp học xóa mù chữ bản Mo 1 chia sẻ: "Mình từng này tuổi rồi nhưng bây giờ mới được học cái chữ. Tối nào cũng vậy, mình ăn cơm thật sớm, sắp xếp công việc để dành thời gian đến lớp học xóa mù chữ này. Tham gia lớp học mình thấy vui lắm, được học tiếng Việt, biết làm toán. Cô giáo rất nhiệt tình, dạy rất tốt. Tại mình già nên học kém thôi".

Bản Mo 1 nằm cách trung tâm huyện Bảo Yên hơn 30 km; 100% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số; giao thông đi lại khó khăn, thiếu đất canh tác, đặc biệt là dân trí còn hạn chế là nguyên nhân khiến cái đói, cái nghèo bao trùm lấy bản người Mông này từ bao năm. Trước đây, đồng bào nơi đây, đặc biệt là người già, phần lớn không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông. Từng có hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi vùng sâu, vùng xa, nên chị Phùng Thị Hồng Khuyên hiểu được, việc đem cái chữ cũng ý nghĩa như việc đem cái ăn, cái mặc cho bà con vậy. Với mong muốn làm được điều gì đó nhằm thay đổi vùng đất này, năm 2017, chị Khuyên mở lớp xóa mù chữ, dạy học miễn phí cho bà con. Mặc dù rất bận rộn với công việc là Đại biểu HĐND tỉnh, nhưng mỗi tuần chị Khuyên đều dành 03 buổi tối đi xe máy vượt gần 30 km từ thị trấn Phố Ràng vào bản Mo để dạy học. Do tư tưởng “Cái chữ không làm no cái bụng được” đã ăn sâu vào tiềm thức nên ban đầu bà con rất e ngại khi tham gia lớp học. Chị lại lặn lội đến từng nhà tuyên truyền vận động, tặng những món quà nhỏ để động viên, khích lệ người dân tham gia lớp học. Chị Khuyên chia sẻ: "Vận động bà con đến lớp đã khó, việc dạy cho bà con còn khó hơn nhiều do đa phần không biết tiếng phổ thông, đặc biệt là chị em phụ nữ. Từ đó đã thôi thúc tôi tình nguyện đến đây dạy chữ. Đến nay rất nhiều học viên đã biết đọc, biết viết, ngoài dạy chữ ra, chúng tôi còn dạy bà con cách chăm sóc sức khỏe, thay đổi phong tục tập quán, phát triển kinh tế gia đình...".

Bàn tay chai sần vì cầm cuốc, cầm dao, rồi lại vụng về cầm bút, nắn nót viết từng con chữ. (Ảnh: Trung Kiên)

Đồng hành với chị Khuyên trong lớp học xóa mù chữ là chị Ma Thị Nống, hiện đang là cán bộ Văn phòng UBND xã Tân Dương, huyện Bảo Yên. Chưa từng được đào tạo qua lớp nghiệp vụ sư phạm, nhưng lợi thế là người Mông, hiểu được phong tục, tiếng nói của đồng bào nơi đây đã giúp chị dễ dàng hơn trong việc chuyển tải kiến thức đến bà con. Bằng sự nhiệt huyết và cái tâm của mình, lớp học của 02 "cô giáo không chuyên” này ngày càng thu hút nhiều người dân tham gia. Bà con ở đây bắt đầu hiểu được rằng, việc biết đọc, viết, biết tính toán sẽ giúp cho cuộc sống của họ bớt khó khăn hơn rất nhiều. Đấy là niềm vui, tiếp thêm sức mạnh giúp các chị thêm động lực để gắn bó với lớp học này. Chị Ma Thị Nống cho biết: "Chúng tôi đến đây với mong muốn, dạy bà con biết chữ để họ tiếp cận với thông tin đại chúng. Hàng ngày bà con rất vất vả lo việc nhà, nhưng họ lại rất hiếu học. Sự chăm học của họ là nguồn động viên rất lớn, làm cho tôi yêu lớp và cố gắng hơn nữa".

Chứng kiến buổi học mới thấy được cái khát khao “con chữ” của bà con nơi đây, nhìn bàn tay chai sần vì cầm cuốc, cầm dao, rồi lại vụng về cầm bút, nắn nót viết từng con chữ cho thấy ý chí quyết tâm của những học viên đặc biệt này. Và để có được thành quả đáng mừng như vậy, những người “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như chị Khuyên, chị Nống đã phải dành biết bao công sức, đổi lại là niềm vui được chứng kiến cuộc sống của bà con ngày càng đổi thay, ấm no, hạnh phúc hơn./.      

                                                                                                      Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết