Tín hiệu đáng mừng trong bước đầu triển khai Nghị quyết 06

17:48 09-04-2020 | :687

Laocaitv.vn - Kết thúc năm 2018, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn tới 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Một trong những nguyên nhân là do các hộ nghèo, cận nghèo chưa mạnh dạn vay vốn để sản xuất. Bởi vậy việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại những địa phương này là hết sức cần thiết. Nghị quyết số 06, về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay vốn phát triển kinh tế xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên, giai đoạn 2019 - 2025, được kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XV thông qua đã dần từng bước tháo gỡ những hạn chế nêu trên.

Tham quan khu vực chuồng nuôi lợn đang thi công của gia đình anh Mìn. (Ảnh: Quang Thuận)

Đã có kinh nghiệm nuôi lợn đen giống bản địa từ lâu, nên năm nào gia đình anh Phu Sín Mìn, thôn Sín Pao Chải cũng xuất chuồng được khoảng 5 đến 6 tạ lợn. Cùng với thu hoạch từ chăn nuôi gà và một số loại cây trồng khác, điều kiện kinh tế của gia đình anh Mìn luôn là mơ ước của nhiều hộ khác trên địa bàn. Vậy nhưng để có bước đột phá, có thu nhập cao và ổn định hơn thì cần phải mở mang sản xuất, mong muốn của anh Mìn là vậy. Song tích lũy hằng năm của gia đình anh chưa đủ tạo ra nguồn lực đáng kể để đầu tư cho phát triển. Cũng chính bởi vậy, khi phương án chăn nuôi lợn nái đen bản địa của gia đình được Ngân hàng Chính sách huyện Mường Khương phê duyệt với số vốn 75 triệu đồng từ nguồn Nghị quyết 06 của Hội đồng Nhân dân tỉnh đã giúp anh có thêm động lực, bắt tay ngay vào thực hiện dự tính phát triển kinh tế. Cụ thể anh đã mua 6 đầu lợn nái giống địa phương, hệ thống chuống trại cũng đã được hoàn thiện. Mô hình nuôi lợn giống bản địa theo dây chuyền khép kín đầu tiên sẽ được vận hành nay mai trên vùng đất gian khó Tả Gia Khâu. Chia sẻ về cách sử dụng vốn vay đảm bảo hiệu quả, anh Phu Sín Mín cho biết: "Tôi vay để có vốn ban đầu mua lợn giống sinh sản, sau đó đầu tư làm chuồng trại cho đảm bảo với quy mô để có hiệu quả cao nhất. Tôi đã mua 50 triệu tiền giống lợn địa phương. Còn làm chuồng theo thời điểm bây giờ hết khoảng 120 triệu, cả tiền vật liệu, tiền san gạt, tiền công thợ và vận chuyển vật liệu. Tôi cũng đã lựa chọn những loại vật liệu phù hợp và tiết kiệm nhất để vừa giảm kinh phí lại mang lại hiệu quả".

Cũng được vay 75 triệu đồng từ nguồn vốn Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh, anh Sùng Seo Páo, thôn Tả Gia Khâu lại lựa chọn mô hình phát triển kinh tế là nuôi bò sinh sản. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với điều kiện ở địa phương, thực tế lao động của gia đình và hoạch định phát triển kinh tế của xã. Niềm vui sau khi được vay vốn đã được anh Páo biến thành quyết tâm, hành động của mình, mua giống bò và xây dựng lại hệ thống chuồng trại đảm bảo an toàn. Anh Páo chia sẻ: "Tôi mua 4 con bò sinh sản hết gần 60 triệu. Về được mấy hôm, 1 con đã đẻ luôn rồi, vui lắm, cùng với 2 con bò cũ là đã có 7 con tất cả. Tôi cũng đang mua vật liệu để nhờ anh em làm lại chuồng chắc chắn hơn, chăn nuôi cho đảm bảo".

Đàn bò sinh sản của gia đình anh Páo. (Ảnh: Quang Thuận)

Theo Nghị quyết 06, từ năm 2019 đến hết năm 2025, mỗi năm tỉnh sẽ cân đối, ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội 1 tỷ đồng/xã để các hộ gia đình ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% được vay phát triển kinh tế. Riêng năm 2019, số vốn cho mỗi xã là 500 triệu đồng. Tại tả Gia Khâu, đã có 9 hộ được vay vốn theo Nghị quyết 06 trong đợt đầu giải ngân. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương đã tăng cường công tác phối hợp, vừa đôn đốc, tư vấn, vừa hỗ trợ các gia đình tháo gỡ khó khăn trong việc sử dụng vốn. Ông Vũ Đức Minh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương cho biết: "Chúng tôi cũng đã cùng địa phương tổ chức rà soát các hộ dân có những mô hình đã triển khai, có nhu cầu vay vốn, qua đó lập danh sách, tiến hành thẩm định và giải ngân. Sau khi giải ngân để đảm bảo các mô hình đạt được hiệu quả, chúng tôi đã cử cán bộ phối hợp với cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp xuống trực tiếp kiểm tra, giám sát. Nếu các hộ có những vấn đề phát sinh không theo phương án đã được duyệt chúng tôi đều có sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời để tất cả các phương án đều được thực hiện đúng định hướng của huyện".

Có một thực tế là trong nhiều năm qua, mặc dù Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã khá chủ động trong việc tạo điều kiện để bà con tiếp cận với nguồn vốn chính sách một cách thuận lợi nhất, để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, song cũng không mấy hộ mặn mà bởi còn thiếu tự tin trong lựa chọn mô hình đầu tư, nên kết quả giảm nghèo chậm. Cụ thể là đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của Tả Gia Khâu vẫn chiếm khoảng 36,6%, gấp trên 3 lần con số bình quân của toàn tỉnh, đó là chưa kể khoảng 31% số hộ nằm trong diện cận nghèo. Cũng chính bởi vậy mà khi Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh Lào Cai khóa XV được ban hành đã trở thành cứu cánh, giúp địa phương xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, trực quan để bà con Nhân dân trên địa bàn học tập, yên tâm vay vốn và vận dụng vào thực tế của gia đình. Ông Nguyễn Đức Luân, Chủ tịch UBND xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương cho biết: "Nguồn vốn giải ngân năm 2019 – 2020 đến thời điểm này các hộ gia đình cũng đang triển khai rất tích cực, bước đầu đã có những thành quả đáng ghi nhận. Các hộ gia đình đã sử dụng nguồn vốn này để phát triên chăn nuôi đại gia súc, nuôi lợn đen bản địa. Chúng tôi đánh giá những mô hình này rất khả quan với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hy vọng đó sẽ là những mô hình điển hình về công tác chăn nuôi trên địa bàn xã, để các hộ gia đình cũng như các xã lân cận có thể học hỏi theo. Chúng tôi cũng rất mong muốn tỉnh cũng như huyện tăng cường thêm nguồn vốn vay để có thể mở rộng ra các hộ gia đình khác. Bởi qua rà soát chúng tôi thấy còn rất nhiều hộ đang muốn vay nguồn vốn này".

Cán bộ Ngân hàng Chính sách huyện kiểm tra mô hình chăn nuôi bò của gia đình anh Páo. (Ảnh: Quang Thuận)

Cùng với Mường Khương, các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà và thị xã Sa Pa là những địa phương có các xã nằm trong diện thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 06 của Hội đồng nhân dân tỉnh, cũng đang tích cực áp dụng nhiều biện pháp để đồng vốn sau khi giải ngân được sử dụng đúng mục đích. Vừa giúp các gia đình phát triển kinh tế, đồng thời hình thành những mô hình trực quan sinh động để nhiều hộ gia đình khác học tập, qua đó đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở các địa phương trong thời gian tới./.

                                           Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết