Trẻ em vùng cao vui niềm vui đến trường

22:55 16-11-2021 | :1159

Laocaitv.vn - Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự tâm huyết, tinh thần sáng tạo của đội ngũ các thầy cô giáo, nhiều trường học ở khu vực vùng cao vẫn tạo dựng được môi trường học tập thân thiện, mang lại niềm vui, sự say mê cho các em học sinh khi đến trường.

Các tảng đá được thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu biến thành những hoạt động có ý nghĩa.

Đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào cuối năm học 2020 – 2021, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương mới được đầu tư về cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị cơ bản, phục vụ công tác dạy và học của nhà trường. Trải qua những khó khăn ấy, đội ngũ thầy cô giáo đã sáng tạo, đầu tư công sức để xây dựng vườn tri thức một cách gần gũi, quen thuộc, giúp các em thêm yêu trường, yêu lớp. Em Đỗ Khánh Linh, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương chia sẻ: "Em yêu những tảng đá này, vì những tảng đá giúp cho em nhớ được rất nhiều công thức, làm bài được tốt hơn".

Còn mô hình nông trại của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Chạc, huyện Bát Xát, đội ngũ thầy cô nhà trường đã giúp các em học sinh sớm tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, cũng như làm quen với kỹ năng lao động sản xuất, ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả hơn. Em Sùng Thị Súng, Trường Phổ thông Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Chạc, huyện Bát Xát cho biết: "Bây giờ được học tại trường, các thầy cô giáo hướng dẫn chúng em trồng rau như cuốc đất, lên luống, bỏ phân, gieo hạt, tưới rau hằng ngày. Về nhà em làm giống như ở trên trường, bây giờ nhà em cũng đủ rau ăn rồi, có khi rau nhiều còn mang ra chợ bán".

Các em học sinh được thầy giáo hướng dẫn cách trồng, chăm sóc các loại cây.

Chăm lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, hướng dẫn các em cách ứng xử trong cuộc sống tập thể, với cộng đồng xã hội, sự gần gũi của thầy cô đã phá vỡ sự rụt rè, giúp các em thêm tự tin, cởi mở khi được sống trong môi trường bán trú ấm áp, yêu thương để học tập và rèn luyện. Em Sùng Thị Thu, lớp 8A1, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bản Phố, huyện Bắc Hà cho biết: "Bây giờ nhà trường đã được xây dựng nên bố mẹ em cũng yên tâm cho em ở tại trường. Ở trường thì có nhiều thời gian học hơn, các thấy cô luôn quan tâm giúp đỡ học sinh và thầy cô còn coi học sinh như con của mình nữa. Học ở đây em có nhiều bạn bè hơn, chúng em có thể tham gia nhiều hoạt động hơn".

Trường học nông trại - Trường học gắn với thực tiễn – Trường học du lịch – Trường học văn hóa... và nhiều mô hình trường học khác, tuy có những nét đặc trưng riêng song đều được xây dựng trên tinh thần sáng tạo, tình cảm yêu quý của thầy cô, giúp con trẻ vùng cao thêm yêu trường, yêu lớp, tích cực học tập vì tương lai phát triển.

 Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết