Ứng dụng công nghệ thông tin ở trường học địa bàn khó khăn

16:42 05-03-2024 | :304

Laocaitv.vn - Tuy chưa được như ở các trường địa bàn trung tâm, khu vực thuận lợi, nhưng hầu hết các trường học ở địa bàn khó khăn, các thầy, cô giáo và học sinh vẫn được tiếp cận, khai thác tiện ích của công nghệ thông tin phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục. Phóng sự thực hiện tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1, thị trấn Nông trường Phong Hải -  Địa bàn vùng 3 duy nhất của huyện Bảo Thắng.

Lớp học được trang bị đầy đủ đồ dùng thiết bị phục vụ giảng dạy. Học sinh chăm chú lắng nghe, tự tin, sôi nổi trong hoạt động. Đây là những điểm sáng trong hoạt động giáo dục ở điểm trường Sín Thèn, nơi có 100% đồng bào Mông sinh sống.

Lớp học được trang bị đầy đủ đồ dùng thiết bị phục vụ giảng dạy.

Cô giáo Sần Thị Dung, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 1, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng nói: “Được tham gia vào các trò chơi vận động cùng với cô giáo, cùng các bạn ở trên truyền hình thì các bạn đấy tự tin, mạnh dạn và qua những hình ảnh minh họa, học sinh cải thiện được vốn tiếng Việt của mình rất nhiều”.

Bà Bùi Thị Tú Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 1, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng cho biết: “Nhà trường đã huy động các nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, cũng như để cả 4 điểm trường đều có kết nối mạng Intenet. Thứ hai là đầu tư trang thiết bị cho các lớp học để mỗi lớp có một máy chiếu hoặc tivi thông minh; chỉ đạo giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong các tiết dạy học hàng ngày”.

Cùng với nỗ lực giải quyết những vấn đề liên quan đến hạ tầng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các trường học vùng cao còn chủ động học tập, sáng tạo trong thiết kế các bài giảng điện tử, tăng tính tương tác, hấp dẫn cho mỗi giờ học.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các trường học vùng cao chủ động học tập, sáng tạo trong thiết kế các bài giảng điện tử.

Cô giáo Phạm Thị Phương Anh, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 1, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Tôi cũng đã dạy các tiết học kết nối với các giáo viên ở trong nước và giáo viên ở nước ngoài. Đó cũng chính là một trong những cách tạo môi trường giao tiếp”.

Em Phạm Phương Oanh, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 1, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng chia sẻ thêm: “Cháu áp dụng công nghệ thông tin vào các môn học như là Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Khoa học. Thành tích học của cháu được xuất sắc 4 năm rồi”.

Ứng dụng các tiện ích của công nghệ thông tin được ngành Giáo dục địa phương chú trọng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Bảo Thắng hiện còn duy nhất Trường Tiểu học số 5 xã Gia Phú chưa có mạng cáp quang Internet. Song, thầy và trò nhà trường vẫn đủ điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dạy và học nhờ mạng 4G. Tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng để giáo viên khai thác hiệu quả hơn các tiện ích của công nghệ thông tin là giải pháp được ngành giáo dục địa phương chú trọng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết