Vì sao người dân Lào Cai không mặn mà với thị trường lao động ngoài nước?

14:25 17-12-2021 | :51

Laocaitv.vn - Năm 2011, toàn tỉnh Lào Cai có 322 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vậy nhưng sau 10 năm kết quả ấy vẫn còn rất khiêm tốn ở con số 892 người. Ngoài nguyên nhân do dịch bệnh thì đâu là nguyên nhân dẫn đến kết quả này?

 

Khó khăn của người dân đi xuất khẩu lao động là ngại đi xa nhà, còn nặng tính gia đình.

Tại xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn, công tác xuất khẩu lao động mặc dù đã được tuyên truyền thường xuyên, liên tục và cũng hiểu rất rõ những cơ chế, chính sách hỗ trợ khi tham gia xuất khẩu lao động. Vậy nhưng đến thời điểm này, mới chỉ có 7 người đang lao động ở ngoài nước theo các hợp đồng, trong khi số lượng người độ tuổi lao động của địa phương là gần 3.500 người. Ông Đặng Xuân Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn cho biết: “khó khăn nhất đối với người dân là phong tục tập quán, họ ngại xa nhà, còn nặng tính gia đình. Khi có công có việc còn về được, đi xuất khẩu lao động bà con cho rằng đi về mất thời gian, nhỡ có công có việc thì không về được”.

Cùng với nhận thức của bản thân người lao động, thì quan điểm từ các thành viên trong gia đình cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người lao động, đặc biệt ở khu vực nông thôn vùng cao không thể đi xuất khẩu lao động theo dự định. “Chồng cho đi thì mới đi được, không cho đi thì bọn em lao động ở nhà, chăn nuôi các loại”, chị Giàng Thị Gi, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa nói.

Bà Hoàng Thị Thúy Hồng, Trưởng phòng Lao động TB&XH thị xã Sa Pa cho biết: “sự ủng hộ của gia đình với người lao động muốn đi là không cao, dẫn đến khi động viên những người lao động có nhu cầu đi thì hầu hết gia đình không nhất trí. Trong vấn đề để hỗ trợ đào tạo và vay tiền để đi lao động xuất khẩu thì không có được chữ ký của gia đình, đó là một trong lý do mà lao động xuất khẩu của Sa Pa hiện tại gặp rất nhiều khó khăn”.

Chất lượng lao động còn thấp chưa đáp ứng được nhiều thị trường khó tính.

Một nguyên nhân không thể không nói đến đó là do chất lượng lao động của Lào Cai còn thấp nên chưa đáp ứng được các thị trường lao động khó tính, cũng là nơi có thu nhập và chính sách đãi ngộ tốt.

Ngoài giúp người lao động và gia đình có thu nhập cao, hoạt động xuất khẩu lao động còn được xem là một trong những giải pháp đào tạo nghề hiệu quả. Chính bởi vậy mà công tác này vẫn đang tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm. Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động TB&XH tỉnh Lào Cai cho biết thêm: “việc xuất khẩu lao động cũng là một giải pháp hết sức tối ưu để cho việc giảm nghèo ở các địa phương bền vững hơn. Chúng tôi cũng đã liên kết được với Trung tâm quản lý lao động ngoài nước để có nhiều đơn hàng cho người lao động ở các thị trường khó tính như là Nhật Bản – Hàn Quốc – điều dưỡng đi Đức”.

Tuy nhiên, để vào được những thị trường lao động này, vấn đề trình độ, kỹ năng, thể chất, sự hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của nước sở tại của người lao động cần được các cấp, các ngành, đặc biệt là bản thân người lao động quan tâm nhiều hơn.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết