Việt Nam và Liên hiệp châu Âu ký kết Hiệp định Tài chính

08:11 02-12-2017 | :520

Laocaitv - Ngày 1-12, tại Trụ sở Liên hiệp châu Âu, Brussels, Vương quốc Bỉ, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, thay mặt Chính phủ và ông Stefano Manservisi, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hợp tác và Phát triển quốc tế (DG DEVCO), thay mặt Liên hiệp châu Âu đã ký kết Hiệp định Tài chính cho Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Liên hiệp châu Âu tài trợ.

Hiệp định Tài chính được ký kết, Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ tài trợ không hoàn lại 108 triệu euro, tương đương khoảng 2.918 tỷ đồng (gồm 100 triệu euro hỗ trợ trực tiếp vào ngân sách nhà nước, 7,5 triệu euro hỗ trợ kỹ thuật bổ sung và 500 nghìn euro cho hoạt động giám sát và đánh giá) cho chương trình.

Chương trình sẽ được triển khai trong ba năm (2018-2020), nhằm mục tiêu đầu tư, phát triển mở rộng lưới điện và nguồn điện năng lượng tái tạo để cấp điện cho các hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa có điện thuộc Chương trình Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 26-8-2016.

Chương trình sẽ thực hiện đầu tư 23 tiểu dự án cấp điện nông thôn, miền núi từ lưới điện quốc gia tại 23 tỉnh; hai tiểu dự án cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Cao Bằng và đảo Bạch Long Vĩ; hai tiểu dự án cáp ngầm xuyên biển cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần, Quảng Ninh và đảo Nhơn Châu, Bình Định.

Dự kiến khi kết thúc chương trình, khoảng 750 thôn, bản sẽ được cấp điện, với khoảng 60 nghìn hộ dân có điện; cấp điện cho một huyện đảo và hai xã đảo.

Các tiểu dự án được triển khai trong chương trình đều có tác động tốt đến việc phát triển kinh tế-xã hội khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, kết hợp xóa đói, giảm nghèo bền vững cho các khu vực khó khăn nhất của Tổ quốc.

Chương trình cũng hỗ trợ cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện với mục tiêu cung cấp điện bền vững nhằm thu hút các nhà đầu tư mới vào ngành điện, đặc biệt cho phát triển năng lượng tái tạo; ii) nâng cao hiệu quả của ngành điện; iii) giảm đầu tư và trợ cấp của nhà nước; iv) bảo đảm cấp điện ổn định, tin cậy; v) nâng cao năng lực quản lý và quy hoạch ở các cấp bảo đảm phát triển năng lượng bền vững, xây dựng hệ thống thống kê năng lượng./.

Theo Báo Nhân dân điện tử


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết