Bảo tồn nghề đan lát truyền thống

21:12 25-07-2021 | :2493

Laocaitv.vn - Trong nhịp sống hiện đại, nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề đan lát vẫn được chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư quan tâm gìn giữ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên để các sản phẩm đan lát truyền thống thành hàng hóa thì cần có vùng nguyên liệu ổn định. Trạm Nghiên cứu thực nghiệm mây, tre ở huyện Bảo Yên được thành lập góp phần giải quyết thiếu hụt này.

Nghề đan lát giúp người dân có thu nhập ổn định.

Năm 2021 xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên khôi phục nghề truyền thống, trong đó có nghề đan lát và đẩy mạnh gắn với đề án phát triển du lịch cộng đồng. Xã kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm giúp người dân có thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy trong định hướng phát triển vấn đề vùng nguyên liệu được địa phương đặc biệt quan tâm. Nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi, thôn Bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên cho biết: "Tôi còn sức khỏe thì sẽ truyền nghề cho bà con trong hợp tác xã. Những người dân trong xã ai có nhu cầu thì tôi cũng dạy cho".

Ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên cho biết: "Trong Đảng ủy đã thống nhất và phân định vùng dịch vụ, vùng bảo tồn. Trước khi thực hiện khôi phục nghề truyền thống chúng tôi nghiên cứu về vùng nguyên liệu".

Cán bộ Trạm Nghiên cứu thực nghiệm mây, tre chăm sóc cây giống.

Để đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ cho việc bảo tồn và phát triển nghề đan lát truyền thống ở khu vực Bảo Yên, mới đây Trạm Nghiên cứu thực nghiệm mây, tre trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã được thành lập và đi vào hoạt động ở xã Tân Dương, huyện Bảo Yên. Gần 2.000 cây mây giống đầu tiên được tuyển chọn từ những cây mẹ đầu dòng mới chuyển về. Hiện đang được các cán bộ của trạm tập trung chăm sóc. Anh Nguyễn Ngọc Sánh, cán bộ Trạm Nghiên cứu thực nghiệm mây, tre cho biết: "Chúng tôi tập trung quản lý bảo vệ diện tích rừng được UBND tỉnh giao. Chăm sóc và bảo vệ các vườn giống hữu tính và vô tính. Trong tương lai đây là nguồn giống uy tín để chuyển giao cho địa phương và cung cấp cho bà con sau này".

Hiện toàn tỉnh có 20 nghề truyền thống, trong đó có nghề đan lát. Vùng nguyên liệu được quan tâm giải quyết, cộng với niềm tự hào và ý thức giữ gìn nét nghề truyền thống người dân, chắc chắn nghề đan lát truyền thống sẽ được bảo tồn và phát triển, tạo ra nguồn thu giúp người dân cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mai Huệ - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết