Bước chuyển căn bản trong chăn nuôi ở Lào Cai

23:02 12-06-2021 | :868

Laocaitv.vn - Sau 30 năm tái lập, chăn nuôi từ chỗ chỉ là lĩnh vực giúp tự túc sức kéo và là thực phẩm cho mỗi gia đình thì giờ đây ngành này đã trở thành khu vực sản xuất hàng hóa chiếm tới 52% giá trị sản xuất nông nghiệp. Lào Cai đã hình thành những vùng chăn nuôi hàng hóa ổn định, tạo sinh kế và cơ hội làm giàu cho hàng chục nghìn hộ nông dân.

Trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bảo Thắng.

Những trang trại, gia trại chăn nuôi lợn được đầu tư xây dựng bài bản, ứng dụng công nghệ cao hoặc một phần công nghệ cao, như trang trại, gia trại gà đồi, gà thả vườn với qui mô từ vài trăm tới hàng chục nghìn con, đó là 1 phần diện mạo của chăn nuôi Lào Cai hôm nay. Nhiều năm liên tục, chăn nuôi của tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng trên 6%/năm. Tổng sản lượng thịt hơi đến năm 2020 đạt trên 63.000 tấn, cung cấp cho người dân trong tỉnh trung bình 87 kg thịt mỗi người/năm, con số này cách xa so với mức tiêu thụ có khi chỉ vài lạng thịt/hộ/tháng 30 năm trước. Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết: "Ở vùng thấp thì bà con chuyển sang hướng chăn nuôi trang trại công nghiệp. Vùng cao phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tập trung vào những giống vật nuôi đặc sản bản địa. Tức là sản xuất chăn nuôi hàng hóa đã rất rõ nét và hiện giờ chăn nuôi của tỉnh Lào Cai thuộc vào top đầu của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Với 110 trang trại, trong đó có 98 trang trại chăn nuôi tập trung, cùng hàng nghìn gia trại qui mô vừa, thực hiện hình thức tổ hợp tác, Hợp tác xã tạo thành chuỗi liên kết, từ cung cấp giống, thức ăn, thú y đến tiêu thụ sản phẩm, giúp chăn nuôi của Bảo Thắng phát triển bền vững. Hằng năm bán ra thị trường gần 30.000 tấn thịt hơi các loại, chiếm tới 45% tổng sản lượng thịt hơi của toàn tỉnh. Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bảo Thắng cho biết: "Việc phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi công nghiệp nó sẽ giảm rất nhiều những vấn đề ảnh hưởng về dịch bệnh cũng như công tác quản lý môi trường. So với 5 năm trước thì chăn nuôi trên địa bàn huyện Bảo Thắng đang là ngành chính trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện".

Trang trại nuôi gà đen của gia đình chị Lan Anh, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà.

Tại huyện vùng cao Bắc Hà, người dân tập trung chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm bản địa, như trâu, lợn đen, gà đen, ngựa… Vật nuôi cũ nhưng cách nuôi thì rất mới, theo hướng hữu cơ và hàng hóa đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân. Chị Nguyễn Thị Lan Anh, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cho biết: "Tôi thấy xu hướng hiện nay người tiêu dùng thích những sản phẩm ngon, sạch, giá cả phải chăng. Nếu mình muốn phát triển thì số lượng phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường".

Câu chuyện chăn nuôi ở Bảo Thắng và Bắc Hà cho thấy, qui hoạch rõ ràng các vùng chăn nuôi, hướng người dân chuyển đổi sang chăn nuôi hàng hóa an toàn và tập trung hỗ trợ người chăn nuôi theo hướng đã xác định là 3 giải pháp căn cơ, giúp chăn nuôi Lào Cai phát triển nhanh và bền vững. Toàn tỉnh đã có 316 trang trại chăn nuôi đạt chuẩn, hình thành 2 chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn thực phẩm, 7 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Đây là những hạt nhân để Lào Cai tiếp tục nhân rộng mô hình, phấn đấu đến năm 2025 sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 68.500 tấn.

 An Hồng -  Phạm Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết