Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

13:59 13-06-2019 | :723

Laocaitv.vn - Tính đến hết năm 2018, tổng số doanh nghiệp thành lập trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 5.519 doanh nghiệp, tuy nhiên, đang hoạt động chỉ có 2.756 doanh nghiệp, chiếm chưa đầy 50%. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận pháp lý, thị trường và nguồn vốn tín dụng nên hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả.

Khó khăn lớn nhất của Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại TH Hoàng Thịnh là vốn

Chính thức thành lập đầu năm 2018, đã qua 1 năm 4 tháng hoạt động, tuy nhiên, trụ sở Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại tổng hợp Hoàng Thịnh hiện đang còn rất tạm bợ, nếu không muốn nói là rất khó khăn. Công ty có khoảng 30 lao động thời vụ, chủ yếu là lao động thuộc khu vực nông thôn tham gia sản xuất cống, cột điện bê tông, xây dựng một số công trình hạ tầng. Hiện nay, doanh nghiệp này vẫn chưa có mặt bằng, phải mượn địa điểm để sản xuất, đây cũng là lý do khiến cho đơn vị chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Ông Hoàng Văn Thịnh, Giám đốc Công ty, TNHH MTV Xây dựng và Thương mại tổng hợp Hoàng Thịnh cho biết: "Khi thực hiện các dự án thì chúng tôi rất thiếu vốn, có những dự án lớn họ đặt tiền thì chúng tôi thực hiện được, nhưng đối với những công trình làm trước rồi mới thanh toán tiền thì doanh nghiệp rất khó khăn. Chúng tôi cũng muốn tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, nhưng những sản phẩm mà chúng tôi đang làm thì không thể mang thế chấp cho ngân hàng được, mà tài sản cố định thì chúng tôi chưa có".

Công ty TNHHMTV xuất, nhập khẩu Phương Loan thì gặp khó khăn về nhân lực và các thủ tục hành chính

Còn đối với Công ty TNHH MTV xuất, nhập khẩu Phương Loan, sau hơn 1 năm hoạt động, doanh nghiệp này đang gặp khó liên quan đến thủ tục hành chính và cơ chế chính sách. Với ngành nghề chính là nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh nguyên liệu, các sản phẩm bánh ngọt. Tuy nhiên, việc nhập nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc vào Việt Nam đang là rào cản do các điều kiện và thiết bị về kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa đối với mặt hàng này khá khắt khe, nhiều loại hàng hóa phải gửi mẫu về Hà Nội, thời gian có thể lên tới 2 tháng mới có kết quả trong khi thời hạn sử dụng mặt hàng này không dài. Bên cạnh đó, trước khi thành lập, đơn vị này đăng ký 6 ngành nghề, nhưng thực tế mới chỉ hoạt động được ở mảng nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất bánh ngọt do khó khăn về tuyển dụng lao động có tay nghề. Bà Ngô Thị Loan, Công ty TNHHMTV xuất, nhập khẩu Phương Loan chia sẻ: "Hiện doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn như: Về thợ thì doạnh nghiệp chưa tự đào tạo được nên chúng tôi cũng mong muốn các trung tâm đào tạo của tỉnh giới thiệu cho chúng tôi nguồn nhân lực để không phải đi thuê lao động từ các tỉnh khác. Một khó khăn nữa là hiện nay doanh nghiệp chúng tôi đang nhập khẩu mặt hàng bơ, mặt hàng này có hạn sử dụng rất ngắn, chỉ có 6 tháng, trong khi đó hoàn thành các thủ tục đã mất 2 tháng. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn thủ tục kiểm nghiệm đơn gian hơn và được thực hiện ngay tại tỉnh, vì khi gửi mặt hàng bơ về trung ương kiểm nghiệm thì mất rất nhiều thời gian gây khó khăn cho doanh nghiệp".

Đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đều có quy mô vừa và nhỏ, vốn và nguồn lao động không nhiều, quan hệ tín dụng hạn chế, mặt bằng sản xuất và môi trường pháp lý còn gặp nhiều vướng mắc. Do vậy, để các doanh nghiệp này phát triển, các cơ quan chức năng cần tạo môi trường thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách.

 Đức Tính


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết