Chế biến sâu cá hồi: Hướng thu bạc tỷ mùa dịch

19:31 09-08-2021 | :2309

Laocaitv.vn - Lựa chọn hướng phát triển nuôi cá hồi theo mô hình khép kín, sau đó đầu tư máy móc phục vụ chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Câu chuyện về một HTX tại thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa phát triển sản xuất theo hướng chế biến sâu đang phát huy hiệu quả, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc hữu địa phương.

Bể nuôi cá hồi, cá tầm của HTX Thức Mai.

HTX Thức Mai đã có kinh nghiệm gần chục năm phát triển nghề nuôi cá hồi, cá tầm tại thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa. Sau nhiều năm làm ăn không có lãi, HTX đã quyết định lựa chọn hướng đi khác biệt, đầu tư thêm cả tỷ đồng để mua thiết bị máy móc để tập trung chế biến sâu sản phẩm. Chị Phạm Thị Mai, Giám đốc HTX Thức Mai, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho biết: "Mới đầu làm, hợp tác xã vay ngân hàng hơn 3 tỷ đồng để xây dựng cơ sở và mua máy móc, có máy móc hiệu suất cao hơn nhiều. Hợp tác xã cũng thu mua và chế biến khác với các cơ sở khác, họ có thể thu mua sản phẩm cá to nhất từ 1,8 - 2 kg. Vậy nhưng, với HTX chỉ dùng cá từ 1,2 - 1,3 kg đổ lại, giá sản phẩm cũng rẻ hơn, mọi người dễ dàng tiếp cận vì cá to phải nuôi lâu hơn, giá thành phải cao hơn".

Công nhân HTX Thức Mai thực hiện sơ chế cá hồi.

Hiệu quả mang lại từ việc phát triển theo hướng chế biến sâu đã vượt sức kỳ vọng của HTX. Đặc biệt, từ cuối năm 2020 khi các sản phẩm: Ruốc cá hồi Sa Pa, cá hồi Sa Pa cắt khúc, cá hồi Sa Pa phi lê và cá hồi Sa Pa hun khói của HTX được công nhận là sản phẩm phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp quốc gia, doanh số bán hàng của HTX có tháng đã lên tới gần 2 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần trước đây.

Hiện, trên địa bàn tỉnh đang có gần 300 cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm, phần lớn theo quy mô nhỏ, chưa tập trung chế biến sâu. Từ hiệu quả bước đầu trong hoạt động của HTX Thức Mai sẽ được các ngành chức năng tập trung hỗ trợ về thiết bị và đầu ra thị trường, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm. Ông Đào Xuân Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi đang tập trung hỗ trợ các cơ sở để chế biến sâu sản phẩm đưa ra thị trường. Đặc biệt là chúng tôi sẽ tập trung mua sắm máy móc, trang thiết bị, đăng kí nhãn hiệu, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường".

Việc chế biến sâu sản phẩm trong chăn nuôi cá nước lạnh là hướng đi tất yếu vừa nâng cao giá trị của sản phẩm, vừa đảm bảo ổn định thị trường trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay. Để làm được việc này, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chức năng thì các cơ sở sản xuất cũng cần chú trọng liên kết để có đủ nguồn cung sản phẩm, nâng cao chất lượng nuôi cá đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.

Bài, ảnh: Thanh Sơn - Trần Tuấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết