Chuyển đổi cây trồng: Cần tránh tình trạng tự phát để hiệu quả bền vững

12:44 06-08-2021 | :847

Laocaitv.vn - Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất là xu thế tất yếu. Thời gian gần đây, bà con nông dân tại vùng cao Cán Cấu, huyện Si Ma Cai đã chủ động đưa các giống cây mới vào trồng thử nghiệm với mong muốn nâng cao thu nhập. Chính quyền địa phương cũng đang đồng hành cùng bà con nông dân tìm những giải pháp hữu hiệu để các loại cây trồng mới phát triển ổn định và mang lại giá trị kinh tế bền vững.

Năm 2020, một số hộ dân ở xã Cán Cấu bắt đầu trồng gừng trên đất ruộng, và ngay vụ đầu tiên, người nông dân đã thu được thành quả. Cây gừng phát triển tốt, đều củ, đặc biệt là giá lại rất cao. Đây chính là động lực để đến thời điểm hiện tại, gần 20 ha gừng hàng hóa đã được trồng tại địa phương này.
 
Anh Thền Văn Trai, cán bộ khuyến nông xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai cho biết: "Chúng tôi nhận thấy trồng cây gừng rất phù hợp, năng suất cao. Kỹ thuật trồng gừng cũng không khó nên người dân dễ tiếp cận. Các hộ dân cũng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên cây gừng phát triển tốt, ít sâu bệnh".
 
 
Cây gừng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng xã Cán Cấu nên phát triển tốt, nhưng người dân đang lo lắng về đầu ra.
 
Gừng là loại cây gia vị, cây dược liệu phổ biến, quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, thay cho trồng nhỏ lẻ để sử dụng trong gia đình, nhiều hộ đã trồng gừng trên diện tích cả nghìn mét vuông. 
 
30.000 đồng cho một cân gừng giống, tiền phân bón và công sức bỏ ra, với mỗi ruộng gừng người dân cũng phải đầu tư tới vài chục triệu đồng. Chưa được tận hưởng niềm vui của vụ sản xuất bội thu, người dân đã bắt đầu lo lắng về việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay. Đây cũng là vấn đề mà chính quyền địa phương đang phải tìm giải pháp nhằm giúp bà con nông dân trong việc liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm.
 
Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai cho biết thêm: "Xã đã tuyên truyền Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất thì sẽ chủ động theo định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương chứ không tự phát, tự ý mở rộng diện tích cây trồng. Trong việc định hướng đó có việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm".  
 
 
Ngoài trồng gừng, nhiều hộ dân ở xã Cán Cấu chọn cây đương quy để phát triển sản xuất.
 
Ngoài cây gừng, nông dân Cán Cấu đã chuyển dần sang trồng đương quy, trồng cây ăn quả… góp phần nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng cần những bước đi thận trọng để hướng tới phát triển bền vững, tránh việc chuyển đổi tự phát dẫn đến tình trạng thất thu do nông sản được mùa, mất giá.
 
Thu Hường – Xuân Anh

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết