Tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững

06:20 18-07-2020 | :602

Laocaitv.vn - Chuối, dứa nhiều năm qua là cây trồng chủ lực, hiện vẫn đang là mũi nhọn, mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân xã Bản Lầu, huyện Mường Khương. Thế nhưng mấy năm gần đây, do đầu ra cho 2 loại sản phẩm này không ổn định, năng suất giảm. Vì vậy, thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều diện tích đã được bà con chuyển sang trồng quế và một số loại cây lâu năm.

Đồi quế từ 3 - 5 năm tuổi của gia đình ông Lý Văn Xuân, thôn Cốc Chứ, xã Bản Lầu.

Trước đây, theo nhu cầu thị trường, phong trào trồng chuối, dứa nở rộ, vì vậy, trên diện tích đồi 15 ha của gia đình ông Lý Văn Xuân, thôn Cốc Chứ, xã Bản Lầu thay vì trồng ngô, khoai, sắn, ông chuyển sang trồng chuối, dứa. Ban đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, càng về những năm gần đây, sản phẩm chuối dứa càng trở nên bấp bênh, cây trồng cũng cằn cỗi giảm năng suất, chất lượng. Trước thực tế này, hưởng ứng chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương và hỗ trợ một phần của Nhà nước, gia đình ông và một số gia đình khác trong thôn bản đã từng bước thay thế cây chuối, dứa bằng cây quế. Đến năm 2018, toàn bộ 15 ha chuối, dứa của gia đình ông Xuân đã được thay thế bằng cây quế. Hiện, đồi quế đã phát triển tốt, dự kiến mang lại nguồn thu bền vững cho gia đình…

Xóm Làng Ha thuộc thôn Cốc Chứ có 100% các hộ dân đều hưởng ứng việc chuyển đổi cây chuối, dứa sang trồng quế. Nhiều hộ tự bỏ tiền ra mua cây giống, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, sản xuất theo hình thức lấy ngắn nuôi dài để giảm áp lực về vốn…

Theo báo cáo của UBND xã Bản Lầu, hiện toàn xã có 740 ha dứa, 760 ha chuối, hai loại cây này mỗi năm mang lại nguồn thu cho người dân Bản Lầu hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đầu ra thiếu tính ổn định, phụ thuộc nhiều vào đối tác. Nhiều diện tích đã thoái hoá, làm nghèo đất và suy kiệt rừng phòng hộ. Chính vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ đầu ra cho chuối, dứa, chủ trương chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây có thu nhập bền vững là cần thiết.

Hướng dẫn, vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương.

Tuy nhiên, để loại cây trồng thay thế phát huy có hiệu quả, bên cạnh công tác tuyên tuyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, các địa phương và ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, chuyển các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế thay vì xảy ra tình trạng xâm lấn rừng tự nhiên để canh tác, một vấn đề nóng đã gặp phải ở nhiều địa phương.

Thế Văn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết