Đầu tư tập trung, khai thác thế mạnh kinh tế địa phương

21:11 12-07-2021 | :360

Laocaitv.vn - Lựa chọn những cây trồng, vật nuôi chủ lực, tập trung phát triển thành mô hình, thành vùng gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ đang là giải pháp hữu hiệu được huyện Mường Khương thực hiện nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của Nhân dân, đặc biệt là với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mô hình trồng lê rộng 3 ha tại vùng cao Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương đang được đánh giá là một điểm sáng trong phát triển kinh tế. Cây lê không phải là cây trồng mới ở Tả Ngài Chồ, nhưng để trồng lê ra nhiều trái, quả to, đẹp, chất lượng tốt được xem là một thành công lớn của người dân nơi đây. "Trước kia, người dân trồng lê không biết kỹ thuật chăm sóc, không biết vít cành nên chất lượng quả không cao. Muốn trồng thành công giống cây này tôi đã phải đi học hỏi ở nhiều nơi", anh Thào Seo Lìn, ở thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ cho biết.

 

Mô hình trồng lê ở Tả Ngài Chồ đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao.

Tả Ngài Chồ là địa phương được đánh giá khá năng động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước mô hình trồng lê vừa mới đề cập, nông dân Tả Ngài Chồ đã mạnh dạn đầu tư nhiều mô hình như trồng quýt, nuôi gà đen, nuôi lợn bản địa… Tuy nhiên, qua đánh giá, nhiều mô hình vẫn còn quy mô nhỏ, thiếu kỹ thuật, hiệu quả chưa cao. Vấn đề này đã được địa phương quan tâm tháo gỡ.

Ông Sùng Seo Sà, Chủ tịch UBND xã Tả Ngài Chồ cho rằng: "Quan trọng là thị trường tiêu thụ, một số loại cây trồng nhưng không tiêu thụ được. Như cây rau trái vụ, trồng ít thì không thành vùng được, vì vậy việc tiêu thụ cũng khá là khó khăn. Tập trung trồng thành vùng sẽ có nguồn lực đầu tư vào một mối, vào một loại cây, từ đó hiệu quả sẽ rất cao". 

Không riêng tại xã Tả Ngài Chồ mà tại hầu khắp các địa phương của Mường Khương, mô hình sản xuất hàng hóa tập trung cũng được hình thành ngày càng nhiều. Ở quy mô huyện, phải kể đến vùng chè đạt trên 3.400 ha, vùng quýt hơn 650 ha… Còn ở từng xã, các vùng canh tác cũng dần được hình thành dựa trên thế mạnh về tự nhiên và trình độ sản xuất của bà con Nhân dân.

Từ nay đến năm 2025, Mường Khương sẽ có vùng lúa chất lượng cao tại Bản Sen, Lùng Vai, Bản Lầu, vùng cây ăn quả giá trị kinh tế cao có diện tích đạt khoảng 5.400 ha, trên 4.600 ha chè nguyên liệu... Bức tranh tươi sáng về nông nghiệp Mường Khương dần được định hình, mà trước hết sẽ bắt đầu từ chính những thay đổi trong nhận thức, những cố gắng, nỗ lực của mỗi người dân và chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Thu Hường – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết