Động lực để phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Lào Cai

09:52 03-10-2019 | :1088

Laocaitv.vn - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được đẩy mạnh, phát triển theo hướng hàng hóa, hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Cùng với đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng nhận được sự đồng thuận lớn của bà con nhân dân. Để việc chuyển đổi này cho hiệu quả kinh tế cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được cọi là yếu tố quan trọng. 

Ruộng lúa kém hiệu quả của gia đình chị Dở đã được thay thế bằng những ruộng rau trái vụ.

Thay cho bỏ đất trống như những năm trước, vụ đông 2019 là vụ đầu tiên bà con nông dân ở xã Tả Giàng Phìn, huyện Sa Pa tiến hành gieo trồng. Năm trước, gia đình chị Giàng Thị Dở ở thôn Móng Xóa đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích ruộng khô hạn, trồng cây lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau bắp cải và thu về 10 tấn rau, mang lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần các cây trồng truyền thống. Chị Giàng Thị Dở, thôn Móng Xóa, xã Tả Giàng Phìn, huyện Sa Pa chia sẻ: "Chúng tôi phát triển kinh tế bằng cách thay thế cây lúa, cây ngô kém hiệu quả sang trồng những loại cây trồng cho hiệu quả cao như trồng cây rau. Hợp tác xã Mai Anh hỗ trợ giống rau, còn chúng tôi trồng và chăm sóc. Chúng tôi cũng không phải lo đầu ra vì hợp tác xã cũng sẽ thu mua các sản phẩm chúng tôi làm ra".

Mô hình kinh tế của chị em phụ nữ thôn Can Hồ B, xã Bản Khoang, những thửa ruộng cấy lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng rau, hoa, và chỉ sau 01 năm, hiệu quả thu lại đã chứng minh việc chuyển đổi này là hoàn toàn phù hợp. Chị Lý San Mẩy, thôn Can Hồ B, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa cho biết: "Năm ngoái mình trồng cây củ cải. So với trồng cây lúa thì hiệu quả hơn nhiều, trồng cây lúa chỉ thu được 1,2 triệu đồng, còn 01 luống cây củ cải thu được 8 triệu đồng. Mình chỉ lo không có sức trồng thôi, chứ đầu ra thì Hội phụ nữ xã đã đảm bảo rồi, mình không sợ không bán được".

Nhờ các buổi tập huấn mà bà con tự tin để chuyển đổi sang cây trồng mới.

Như vậy có thể thấy, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là yếu tố quan trọng để người dân yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiếp cận với những hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tại xã Tả Giàng Phìn, từ thành công bước đầu của một vụ rau có đầu ra ổn định, vụ đông năm nay, tiếp tục có gần 30 hộ dân đăng ký tham gia trồng rau trái vụ với diện tích trên 05 ha, trên cơ sở liên kết với Hợp tác xã Mai Anh để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ông Vù A Súa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tả Giàng Phìn, huyện Sa Pa cho biết: "Chúng tôi thường xuyên liên kết với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, về kỹ thuật trồng rau trái vụ cho bà con. Sau khi tham gia các lớp tập huấn này bà con rất tự tin để áp dụng thực hiện. Và thực tế cho thấy năng suất trồng cây rau thì gấp 02, 03 lần trồng cây lúa, mà các diện tích chuyển đổi cũng hoàn toàn là khu vực thiếu nước, khó trồng cây lúa. Đợt này có 26 hộ tham gia trồng 05 ha, các hộ khác chúng tôi sẽ cho trồng vào tháng 10, bởi bên Hợp tác xã Mai Anh yêu cầu sản xuất gối vụ, đảm bảo đầu ra tiêu thụ hết cho bà con nhân dân".

Trong quá trình bắt tay vào sản xuất hàng hóa, người nông dân vẫn đang phải loay hoay với việc đi tìm nơi tiêu thụ, dẫn đến tính bền vững trong sản xuất chưa cao. Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch ở các địa phương vùng sâu, vùng xa phần lớn ở dạng sơ chế nên giá trị của các sản phẩm của đồng bào còn thấp. Theo đó, không riêng tại các địa phương của huyện Sa Pa, để nông dân yên tâm sản xuất, cấp ủy, chính quyền cùng các ban, ngành cần quan tâm nhân rộng các mô hình liên kết để việc tiêu thụ được bài bản, có kế hoạch và có giá trị cao hơn, góp phần giảm nghèo bền vững cho người nông dân./.

Thu Hường – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết