Laocaitv.vn - Dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Trước khó khăn này các hộ dân, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó có liên kết và tổ chức lại sản xuất, đây được xem là giải pháp hiệu quả trong lúc khó khăn này. Ghi nhận tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng.
Thôn Thái Vô được coi là điểm sáng trong phát triển đàn lợn ổn định.
Phát triển chăn nuôi là thế mạnh của xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tuy nhiên, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều thôn có dịch thì ở thôn Thái Vô, nông dân vẫn phát triển đàn lợn ổn định. Tự sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi cùng nhau lấy chung để giảm chi phí hoặc như cả thôn không mua thịt lợn từ nơi khác về là những cách để người dân bảo vệ đàn lợn của thôn. Các tổ nhóm chủ động xây dựng kế hoạch chăn nuôi, tính toàn hợp lý chi phí đầu vào, liên kết để có đầu ra ổn định và chủ động quản lý, phòng trừ dịch bệnh. Với cách làm này, từ nhiều năm nay, khu vực thôn Thái Vô không xảy ra dịch bệnh. Mỗi cá nhân, mỗi hộ đều là giám sát viên đắc lực tại công đồng. Chị Trần Thị Miên, thôn Thái Vô, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết: "Từ ngày tôi nuôi lợn đến giờ là chưa bị dịch. Các thành viên trong nhóm bảo nhau lấy cám của công ty họ trở lên. Lúc lợn đẻ tôi tiêm từ lợn mẹ đến lợn con. Không cho người ra vào chuồng, cấm tuyệt đối".
Các hộ dân đều rất coi trọng việc phòng trừ dịch bệnh.
Gần như tất cả các hộ chăn nuôi ở Thái Vô đều lấy cám của gia đình bà Phạm Thị Tho. Chung nhau lấy cám sẽ giảm bớt chi phí, tính ra, mỗi bao cũng giảm được đến 10.000 đồng. Đứng ra chịu trách nhiệm về cung ứng cám, bà Tho cũng là hộ mạnh dạn áp dụng công nghệ trong chăn nuôi lợn. Hệ thống camera giám sát được trang bị đã giúp gia đình kiểm soát được người ra vào khu vực chăn nuôi. Hoàn toàn chỉ có công nhân chăm sóc ở tại khu vực chăn nuôi. Việc điều hành đều qua hệ thống giám sát hiện đại. Đây là cách làm để không bị dịch bệnh tấn công. Bà Tho chia sẻ: "Từ ngày tham gia Oxfam chị em chúng tôi học được nhiều kinh nghiệm, như phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi. Trong tổ nhóm đoàn kết, vợ chồng san xẻ công việc cho nhau. Phụ nữ tự tin tham gia công tác trưởng thôn, hội nông dân".
Gia đình bà Tho lắp hệ thống camera kiểm soát người ra vào khu vực chăn nuôi.
Ông Trần Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết: "Qua các chương trình, dự án nông dân trong xã thực hiện rất hiệu quả, làm thay đổi nhận thức của đồng bào, nhất là chị em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khoa học kỹ thuật được chuyển giao cho Nhân dân, giúp Nhân dân có kiến thức áp dụng vào chăn nuôi, vận động người thân, hàng xóm xung quanh với hình thức tai nghe mắt thấy, tuyên truyền có hiệu quả cho chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương".
Dự án nâng cao năng lực cho phụ nữ thông qua chuỗi lợn trắng được thực hiện đã giúp nông dân Xuân Quang phát huy được tinh thần tập thể, trí tuệ, sáng kiến ở cộng đồng, làm việc theo nhóm tính cực và hiệu quả hơn. Năng lực về phát triển chăn nuôi lợn của người dân được nâng lên rõ rệt, điều đó thể hiện ở việc hầu hết các tổ nhóm đều có kế hoạch phát triển chăn nuôi. Từ đó nông dân chủ động trong các công việc, tính toàn hợp lý chi phí đầu vào, cũng như chủ động quản lý, phòng trừ dịch bệnh, đây cũng là điều kiện để các hộ nâng cao thu nhập bền vững.
Ngọc Hà - Quang Ánh - Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết