Giải quyết khó khăn thiếu nguyên liệu sản xuất công nghiệp

16:50 28-04-2022 | :1064

Laocaitv.vn - Thiếu nguyên liệu, máy móc, thiết bị vật tư phục vụ sản xuất kinh doanh là những nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp. Với sự chủ động, linh hoạt tìm kiếm thị trường cùng với việc cửa khẩu được thông quan trở lại đang giúp các nhà máy từng bước tháo gỡ những khó khăn này.

Đa phần các đơn hàng thiết bị, máy móc, vật tư thay thế của Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai đều nhập từ Trung Quốc về. Do Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành tạm thời đóng cửa, doanh nghiệp này đã tìm các kênh vận chuyển qua đường biển về Việt Nam để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển tăng cao đã tác động khá lớn tới giá thành sản phẩm. Gần 2 tuần trở lại đây, cửa khẩu đã được thông quan trở lại, là tín hiệu vui giúp đơn vị giải quyết được những khó khăn đang gặp phải.

Ông Nguyễn Quốc Trinh, Phó Giám đốc Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai cho biết: "Bằng tất cả các giải pháp của mình, huy động nội lực là chính, tất cả các linh kiện, vật tư có thể gia công chế tạo bằng hạ tầng cơ sở của chi nhánh thì chi nhánh đã thực hiện để đưa vào sản xuất; đồng thời cũng tìm kiếm các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản để cung cấp linh kiện, thiết bị vật tư thay thế. Chi nhánh cũng liên hệ với các đối tác bên nước bạn để đẩy nhanh tốc độ thông quan phía bên Hà Khẩu cũng như có sự hỗ trợ của Hải quan phía Việt Nam, để đảm bảo việc cung ứng vật tư kịp tiến độ sản xuất".

Việc cung ứng vật tư kịp thời giúp hoạt động sản xuất công nghiệp không bị gián đoạn.

Ngoài thiết bị, máy móc, rất nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp đối mặt khó khăn về nguồn quặng. Trong 3 tháng đầu năm 2022, Nhà máy DAP số 2 Lào Cai chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn quặng. Vậy nhưng, từ đầu tháng 4 đến nay, khó khăn này từng bước được tháo gỡ. Đơn vị đã chủ động tìm kiếm thị trường nhập nguồn quặng, nguyên liệu đảm bảo không bị đứt chuỗi cung ứng.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Nhà máy DAP số 2 Lào Cai cho biết: "Lưu huỳnh 100% phải nhập khẩu, để đảm bảo duy trì sản xuất, hạn chế nguy cơ ảnh hưởng thì công ty đã chủ động mua theo lô lớn, đảm bảo đáp ứng duy trì sản xuất từ 2 - 3 tháng; đồng thời trong quá trình đó triển khai công tác rà soát, đánh giá tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị để làm công tác dự phòng, trên cơ sở đó thực hiện mua sắm thì sẽ chủ động về tiến độ".

Ông Hoàng Trọng Phi, Trưởng Đại diện Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai cho biết thêm: "Một số nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp như than cốc, các thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chuẩn bị về đến Việt Nam phục vụ các nhà máy sản xuất. Trong thời gian đó cũng tìm các nguồn cung cấp nguyên liệu, thiết bị từ các thị trường khác. Về phía Ban Quản lý Khu kinh tế tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để có giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về vấn đề quặng Apatit cũng như quặng sắt".

Lào Cai đang tập trung giải quyết vướng mắc của từng dự án, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khai thác quặng Apatit. Một tín hiệu đáng mừng là một số sản phẩm công nghiệp thế mạnh của Lào Cai như: Phân bón, phốt-pho, đồng, phôi thép đều tăng cao trong thời gian qua, với thị trường tiêu thụ ổn định. Điều này sẽ phần nào giúp các nhà máy duy trì mức tăng trưởng.

  Trung Kiên - Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết