Hiệu quả mô hình Chuyển đổi từ nuôi cá truyền thống sang cá đặc sản

09:28 13-04-2024 | :67

Laocaitv.vn - Đa dạng hóa đối tượng nuôi, nhất là đưa các loài cá đặc sản vào nuôi đang mang lại hiệu quả cao kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Tại các địa phương trong tỉnh, các mô hình nuôi cá đặc sản ngày càng phát triển không chỉ nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích mặt nước, mà còn giúp người nuôi có thêm kinh nghiệm, kỹ năng, sẵn sàng với các loài nuôi mới, đảm bảo nguồn cung ngày càng tăng của thị trường. 

Sau một thời gian nuôi cá lăng chấm, ông Hưng (phải ảnh) thấy loại cá này mang lại hiệu quả rõ rệt.

Hơn 0,4 ha mặt nước của gia đình ông Nguyễn Văn Hưng trước đây chỉ nuôi các loài cá truyền thống như: cá chép, trắm, rô phi… Tuy nhiên, hơn 2 năm nay, ông Hưng đã chuyển toàn bộ sang nuôi cá lăng chấm. Mặc dù kỹ thuật khắt khe hơn, nhưng giá thành cá lăng chấm khá cao, năm ngoái, thương lái đến tận ao thu mua với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với cá truyền thống. Ông Nguyễn Văn Hưng, thôn Phú Hải 2, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Tôi nuôi cá lăng cảm thấy dễ hơn các cá khác. Tiêu thụ ra thị trường rất dễ, họ đặt là họ mua luôn. Giá cá lăng cao, giá cá trắm chỉ 60.000 - 70.000 đồng/kg thôi. Gia đình cũng thấy hiệu quả, chăn nuôi được, dịch bệnh không có”. 

Tương tự gia đình ông Hưng, gia đình anh Nguyễn Văn Dũng đã chuyển từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá bỗng, 1 trong 5 loài cá đặc sản nổi tiếng. Thời gian nuôi lâu hơn các loại cá khác, tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại rất cao, thị trường rất ưa chuộng, khách hàng không chỉ riêng Lào Cai mà còn có cả các tỉnh lân cận. Anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Phú Hải 3, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Môi trường thích nghi với cá bỗng thấy hợp, cỏ nhà trồng được, cứ lấy về cho ăn thôi. Giá cá bống cũng thấy bảo từ 250.000 - 300.000 đồng/kg”.

Gia đình ông Dũng chuyển từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá bỗng.

Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh đang thực hiện việc bảo tồn, phát triển nguồn gen quý nhiều giống cá đặc sản của Lào Cai, như: anh vũ, lăng chấm, chạch trấu, chạch đồng… Những giống cá đặc sản này có điểm chung là yêu cầu cao về kỹ thuật chăm sóc. Tuy nhiên, chất lượng cá thương phẩm tốt, giá bán trên thị trường khá cao, theo tính toán, giá trị thu về từ cá đặc sản có thể cao gấp 10 lần so với cá truyền thống. Ông Nguyễn Văn Tước, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cho biết: “Trên thực tế là các sản phẩm các lăng, cá trạch… thị trường khá là cần, ưa chuộng, con cá mang lại hiệu quả cao cho người dân. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ phát triển các loại cá này”. 

Nuôi cá đặc sản đang là hướng đi hiệu quả giúp cho hàng trăm hộ dân trong tỉnh có thu nhập tốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản bền vững./.

Thế Long - Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết