Hiệu quả phần mềm truy xuất nông sản an toàn tỉnh Lào Cai

14:15 11-03-2021 | :548

Quý độc giả nghe audio tại đây: 

Laocaitv.vn - Để giúp người tiêu dùng có được nguồn gốc chính thống của các sản phẩm nông sản đã được cơ quan Nhà nước xác nhận, từ năm 2017, Lào Cai là một trong 4 tỉnh đầu tiên của cả nước xây dựng phần mềm truy xuất nông sản. Từ khi có phần mềm này đã hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nông sản an toàn quảng bá, giới thiệu và ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ. Đây cũng là cách để Lào Cai giữ chữ tín về các chuỗi nông sản đã được đánh giá, công nhận.

Hiện, toàn tỉnh có 266 sản phẩm nông sản tham gia hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử.

Để quản lý và kiểm soát cung cấp nông sản sạch và an toàn, năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Lào Cai đã triển khai xây dựng Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở và các dòng sản phẩm nông sản an toàn hoạt động tại địa chỉ: http://truyxuatnongsan.laocai.gov.vn và ứng dụng truy xuất nguồn gốc trên hệ điều hành iOS và Android.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 71 doanh nghiệp/hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông lâm sản và thủy sản với 266 dòng sản phẩm nông sản tham gia hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các cơ sở và các dòng sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn toàn tỉnh.

Các sản phẩm nông sản của HTX nông sản dược liệu Mạnh Hương đều thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Khi nhận thấy tiện ích về sự minh bạch này, HTX nông sản dược liệu Mạnh Hương đã hoàn tất hồ sơ để thực hiện in thông tin sản phẩm lên vỏ hộp và nhãn sản phẩm. Đây là cách để HTX có thêm thị trường, tăng sản lượng và hỗ trợ thêm nhiều hộ dân phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho HTX thực hiện chế biến sâu.

"Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cấp mã số cho các sản phẩm nông sản của chúng tôi, đảm bảo cho sự minh bạch sản phẩm khi đến người tiêu dùng. Mọi người có thể sử dụng điện thoại, quét mã trên bao bì sản phẩm, mã sẽ hiện lên, chỉ rõ cho họ thông tin cần thiết", ông Nguyễn Tiến Mạnh - Giám đốc HTX nông sản dược liệu Mạnh Hương, huyện Bảo Thắng cho biết.

Với việc mở rộng các chức năng của hệ thống đã giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thông qua việc kiểm soát được số lượng nhãn QR-Code được in ra tương ứng với sản lượng và quy cách đóng gói sản phẩm của nhà sản xuất, tránh hiện tượng sử dụng nhãn QR-Code được cấp để dán trên những sản phẩm cùng loại không phải do tổ chức, cá nhân (các doanh nghiệp/HTX, cơ sở) sản xuất. Qua đó, các doanh nghiệp/HTX có thể in trực tiếp nhãn Qr-Code trên bao bì sản phẩm, giúp giảm công dán tem và chi phí in ấn, giúp người tiêu dùng tránh được những hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.

"Để thu hút các doanh nghiệp/HTX tích cực tham gia vào hệ thống, chi cục sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản an toàn tham gia hệ thống, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm sử dụng sản phẩm an toàn được gắn tem truy xuất nguồn gốc", ông Vương Tiến Sỹ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh nói.

Thông qua phần mềm truy xuất nông sản, các đơn vị sản xuất, phân phối có cơ hội quảng bá các sản phẩm nông sản an toàn của đơn vị mình với các đối tác và người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhiều hợp đồng cũng sẽ được ký kết thông qua việc tiếp nhận thông tin về sản phẩm từ hệ thống.

Bài, ảnh: Ngọc Hà – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết